Lào Cai: Phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 08/12/2017 16:49
(ĐCSVN) - Giai đoạn 2012 - 2016, Lào Cai đã bình chọn được 1.479 lượt người có uy tín tại các thôn, bản trong toàn tỉnh. Đây là lực lượng nòng cốt tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới.

 

Người dân huyện Bát Xát (Lào Cai) tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Hồng Minh.

 Trong giai đoạn hiện nay, cùng với chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng đồng bào dân tộc, vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh Lào Cai trong đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đó là các chương trình: 135 về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và nhiều chương trình, dự án khác đã và đang được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn... Các chương trình, dự án được triển khai đã thực sự đi vào lòng dân và đạt được những kết quả lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Cùng với sự quyết tâm nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, có phần đóng góp công sức không nhỏ của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc toàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, đóng góp của người có uy tín được cộng đồng các dân tộc đánh giá cao và trân trọng ghi nhận. Nhiều việc làm được lưu truyền thành chuyện kể trong cộng đồng nơi họ sinh sống, được truyền miệng trong đồng bào, trở thành những hình ảnh cao đẹp, những tấm gương sáng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Họ là những người tiên phong tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi. Nhiều người đã trở thành gương sáng về xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, điển hình cho cộng đồng học tập như: Bà Đặng Thị Phúc, thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng đã vận động 78 hộ dân hiến trên 16 nghìn m2 đất làm đường giao thông nông thôn; Ông Vi Văn Sáng, thôn Bản Ngoang, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn đã vận động nhân dân hiến trên 5 nghìn m2 đất (trong đó gần một nghìn m2 đất ruộng) để xây dựng đường giao thông nông thôn, vận động được nhân dân làm 45 nhà tiêu hợp vệ sinh, 23 chuồng trại, gia súc và 30 hố rác thải góp phần nâng cao tiêu chí nông thôn mới; Ông Giàng A Sử, thôn Nậm Mu, xã Nậm Mả tích cực vận đông nhân dân trong thôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước; thường xuyên vận động gia đình và nhân dân làm đường giao thông nông thôn mới, nhà tiêu hợp vệ sinh. Bản thân ông vận động gia đình hiến 280 m2 đất vườn để làm đường giao thông nông thôn; kinh tế gia đình thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm; tích cực tham gia đấu tranh với các tệ nạn xã hội, tập tục lạc hậu tại địa phương; là người có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trong cộng đồng dân cư….

Đặc biệt, chia sẻ với chúng tôi tại Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai năm 2017, bà Triệu Thị Phấu, dân tộc Dao ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho biết: Nhận thức rõ vai trò của người có uy tín, bản thân bà cũng như 110 người uy tín trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu đi đầu để các thành viên trong gia đình, cộng đồng và thôn bản noi theo; đồng thời đồng thời tích cực vận động tuyên truyền trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, bản thân bà cũng như người có uy tín khác ở địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân nơi đây hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí, ngày công lao động… Qua đó, nhân dân xã Phú Nhuận đã hiến trên 9,7 nghìn m2 đất, đóng góp 185 triệu đồng và 147 ngày công lao động để làm mới 10,3 km đường giao thông nông thôn và nhiều hạng mục công trình khác. Đây cũng là xã đầu tiên về đích nông thôn mới của huyện Bảo Thắng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cần quan tâm. Đó là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa thấy hết vai trò, vị trí của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát huy vai trò của người có uy tín trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương. Công tác vận động người có uy tín vẫn còn hạn chế về nội dung, hình thức; tổ chức vận động chưa linh hoạt, chưa thiết thực; về cơ chế, chính sách cho công tác này chưa đồng bộ nên từng lúc, từng địa phương cơ sở chưa phát huy tốt vai trò và khả năng của những người có uy tín…

Do đó, để người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng, thiết nghĩ rất cần cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cơ sở tăng cường chỉ đạo các tổ chức ở cơ sở thôn, bản tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Bởi vậy, người có uy tín cần tham gia là thành viên Tổ tuyên vận tại cơ sở để tạo điều kiện cho người uy tín có điều kiện phát huy tốt vai trò của mình.

Về phía người uy tín cần tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc tiếp tục chung sức xây dựng nông thôn mới, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; tăng cường công tác vận động nhân dân xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số về việc cưới, việc tang, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thực hiện tốt các hương ước, quy ước ở thôn bản, tổ dân phố…Thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con để đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời; thông tin kịp thời những bức xúc của đồng bào với chính quyền và với cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt việc hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần để khích lệ, động viên người có uy tín tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn là tấm gương sáng để nhân dân trong xã, thôn, bản noi theo./.

Nguyễn Thị Hồng Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực