Bài 1: Lao đao thị trường biểu diễn thời COVID-19

Thứ hai, 06/04/2020 17:19
(ĐCSVN) - Chưa bao giờ thị trường biểu diễn lại ảm đạm, đìu hiu như bây giờ. Hơn 90% các chương trình biểu diễn đã lên khung đều phải hủy hoặc lùi không thời hạn. Các show ca nhạc “lặng sóng”, sân khấu “buông rèm”…, đời sống của không ít nghệ sĩ lao đao nhưng các nghệ sĩ vẫn đồng hành cùng dân tộc, “thai nghén”, sáng tạo những tác phẩm và hình thức biểu diễn mới...

Bài 2: Rộn ràng khúc ca khải hoàn

 

 Dịch COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp đã khiến cho tất cả các nhà hát phải đóng cửa. (Ảnh minh họa. Ảnh: Nhà hát Lớn Hà Nội)

Show ca nhạc “lặng sóng”, sân khấu “buông rèm”

Đây không chỉ là nhận định của các chuyên gia, nhà sản xuất có các chương trình nghệ thuật lớn mà khán giả cả nước, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy bằng trực quan của mình. Cũng như các lĩnh vực, ngành nghề khác, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới đời sống nghệ thuật nói chung và thị trường biểu diễn nói riêng. Chưa bao giờ thị trường biểu diễn lại yên ắng như bây giờ, các nghệ sĩ đều ở nhà chung tay cùng cả nước chống dịch. Thị trường biểu diễn truyền thống hoàn toàn “lặng sóng” nhưng lại gây “bão” cho không ít nghệ sĩ, nhà sản xuất… khi tất cả tài sản và tâm huyết của họ bị “đóng băng” ở các show biểu diễn sau Tết đã bị hủy vô điều kiện.

Theo NSND Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: Từ Tết tới giờ, các chương trình cấp phép biểu diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các chương trình nghệ thuật mang tính chính trị như chương trình “Mừng Đảng, mừng xuân”, “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng”... Còn lại có tới hơn 90% các chương trình mặc dù đã được cấp phép trước đó, các đơn vị sản xuất cũng đã  lên khung, thậm chí phát hành vé cũng đều bị hủy hoặc xin lùi không thời hạn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ cũng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, hàng loạt các chương trình biểu diễn thường kỳ ở các quán cà phê và các show ca nhạc lớn đã phải tạm ngừng. Thị trường biểu diễn ca nhạc “đóng băng” hoàn toàn. Nếu có cố tổ chức biểu diễn trong lúc này cũng không có người xem. Chính vì vậy, không cần phải nhắc nhở, trước tình hình dịch COVID-19 hoành hành, các nhà sản xuất, bầu sô đều chủ động xin hủy hoặc lùi không thời hạn các chương trình đã xin cấp phép trước đó.

Thị trường biểu diễn “đóng băng”, các chương trình biểu diễn, show ca nhạc lớn tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ như chương trình "Cảm ơn tình yêu" của Đông Đô show nhân dịp Ngày Lễ tình yêu 14/2 hay chương trình "Modern Talking & Sandra", chương trình hướng tới ngày phụ nữ 8/3… đều phải hủy và chưa biết đến bao giờ mới có thể biểu diễn bù lại được. Không cần phải nói cũng có thể hình dung được sự mất mát, ảnh hưởng lớn như thế nào đến các nhà sản xuất và nghệ sĩ.

“Mất toi cả cái nhà chung cư vì dịch” - đó là chia sẻ vui của nghệ sĩ, bầu sô, Giám đốc Công ty Cổ phần giới thiệu VHNT Đông Đô Nguyễn Thị Hoài Oanh, nhưng cũng là tâm sự của không ít nghệ sĩ lao đao trong mùa dịch này. Theo "bà trùm" các show ca nhạc Nguyễn Thị Hoài Oanh, sau Tết là “mùa gặt” của các nghệ sĩ, đặc biệt năm nay là năm chẵn nên có rất nhiều chương trình kỷ niệm, lễ hội và ngày lễ, vì vậy Công ty Cổ phần giới thiệu VHNT Đông Đô cũng như nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn đã lên khung hết chương trình biểu diễn các show lớn ở Nhà hát Lớn, Cung Việt Xô và Nhà hát Âu cơ cũng như các tỉnh thành nhưng đến giờ đều phải hủy hết. Chỉ tính riêng từ Tết, Công ty này đã phải hủy 3 show ca nhạc lớn và 30 chương trình biểu diễn ở các tỉnh,14 chương trình biểu diễn tại các lễ hội.

Thị trường ca nhạc ảm đạm là vậy nhưng thị trường biểu diễn các loại hình sân khấu tại các rạp cũng đìu hiu không kém. Bắt đầu từ tháng 3, 100% sân khấu tại các nhà hát trong cả nước đều đồng loạt đóng cửa.

Theo NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, một trong những đơn vị nhà hát hoạt động mạnh nhất miền Bắc, sau khi biểu diễn được 03 buổi chào Xuân, khán giả tới đều phải đeo khẩu trang thì Nhà hát nghỉ hẳn ko biểu diễn phục vụ khán giả nữa. Trong thời gian nghỉ, Nhà hát cho các đoàn tập trung tập các vở chuẩn bị diễn vào tháng 4, 5, nhưng từ khi dịch bùng phát Nhà hát cho các nghệ sĩ nghỉ hẳn. Các đoàn cũng không được tập tập trung, mà từng cá nhân phải tự tập riêng lẻ.

NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng cho biết, vì phải đóng cửa ngừng diễn trong mùa dịch nên đơn vị anh đã mất khoảng 50% số buổi biểu diễn của cả năm, điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới việc hoàn thành kế hoạch năm của Nhà hát.

Các nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có thể nói là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều hợp đồng biểu diễn nghệ thuật đã được các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật hủy bỏ ngay trước ngày diễn và cả những lịch diễn cho cả tháng, cả quý đều phải dừng lại.

Sân khấu buông rèm, không còn sáng đèn phục vụ khán giả đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của các nghệ sĩ sân khấu. NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, các nghệ sĩ sân khấu chủ yếu sống bằng vai diễn, mà mùa xuân là mùa lễ hội, là mùa để các nghệ sĩ sân khấu “bung lụa” nhưng do dịch, không biểu diễn được khiến đời sống các nghệ sĩ vô cùng khó khăn. Hiện Nhà hát có khoảng 150 cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ, trong số này chỉ có rất ít người sống thỏa mái trong mùa dịch, còn lại hầu hết đời sống nghệ sĩ rất khó khăn. Nhiều người vẫn phải đi thuê nhà vì vậy không biểu diễn trong mùa dịch, nhiều người phải xoay sở các công việc khác như đi chụp hình, quay quảng cáo, bán hàng online…

Chung số phận với các đơn vị nghệ thuật nhà nước, các đơn vị nghệ thuật tư nhân trong mùa dịch còn khó khăn gấp bội. Nghệ sĩ Hồng Vân - "bà chủ" của sân khấu kịch Phú Nhuận và kịch Hồng Vân - Thuận Kiều tâm sự: Dịch vừa xảy ra, dù thời điểm đang hút khách nhưng sân khấu buộc phải đóng cửa nghỉ luôn cho đến giờ. Mặc dù phải chịu tiền thuê mặt bằng nhưng vì sức khỏe người dân chị đành phải ngậm ngùi. Với tình hình này chưa biết đến bao giờ mới hết dịch. Chạy show quanh năm, nhân dịp này các nghệ sĩ có điều kiện để nghỉ ngơi, nhưng dịch kéo dài, các nghệ sĩ rất nhớ nghề. Không được biểu diễn, nhiều nghệ sĩ hoàn cảnh khó khăn không trụ được phải chuyển sang làm nghề khác, trong đó nhiều nhất là bán hàng online để kiếm sống.

Sân khẩu truyền thống "đóng băng", sân khẩu online xuất hiện.
(Ảnh minh họa. Ảnh: Thế Dương)

Nhà hát Internet, sân khấu online xuất hiện

Trong “cái khó ló cái khôn”, với sự sáng tạo không ngừng và mong muốn được tiếp tục biểu diễn cống hiến cho khán giả ngay cả trong mùa dịch, nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật đã  sáng tạo vận dụng công nghệ 4.0 và nền tảng kỹ thuật số tạo nên những chương trình biểu diễn online trên mạng được đông đảo công chúng đón nhận.

COVID-19 giống như một phép thử, thử bản lĩnh, sự kiên trì và sáng tạo của các nghệ sĩ. Các show diễn truyền thống không còn trong mùa dịch, các show diễn trực tuyến thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số theo kiểu “nhà hát internet” bắt đầu được nhiều nghệ sĩ quan tâm, sáng tạo. Chuỗi chương trình âm nhạc Music Home là một trong những ví dụ điển hình. Ngoài ra, để khỏa lấp lỗ hổng trong đời sống tinh thần của người dân trong mùa dịch, nhiều nhà hát do không thể mời khán giả tới rạp nhưng vì chương trình biểu diễn nghệ thuật đã được chuẩn bị đầy đủ từ trước nên các nhà hát tổ chức biểu diễn livestream phát trên trang Web của Nhà hát hoặc Facbook của các nghệ sĩ để khán giả xem online. Chính sự sáng tạo này đã duy trì được cầu nối giữa khán giả và nghệ sĩ ngay cả trong mùa dịch. Và cũng chính sự sáng tạo này đã làm cho bức tranh biểu diễn mùa COVID-19 trở nên bớt ảm đạm hơn.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, các nghệ sĩ đã không quên sử dụng vũ khí sắc bén của mình sáng tạo nên những ca khúc ý nghĩa và truyền tay nhau biểu diễn trong mùa dịch. Những ca khúc như: Ghen Cô Vy, Đánh giặc Corona; Bài ca những trái tim hồng; Người mẹ áo trắng; Chung tay diệt ngay Côvit, Vì bạn, vì tôi… liên tục xuất hiện đã khiến cho thị trường biểu diễn trên nền tảng kỹ thuật số thêm sôi động.

Dẫu cho “Nhà hát Internet”, sân khấu online vẫn còn nhiều hạn chế, và không thể so sánh với sân khấu truyền thống khi khán giả tới rạp xem trực tiếp, nhưng trong “cơn bĩ cực”, phải cách ly toàn xã hội, mọi người dân phải ở nhà để đẩy lùi giặc dịch như hiện nay thì đây là biện pháp hữu hiệu và lý tưởng để bồi đắp đời sống tinh thần cho người dân và là kênh duy nhất để động viên, cổ vũ các nghệ sĩ - “những con tằm” hãy tiếp tục “nhả tơ” cống hiến cho nghệ thuật, cho khán giả và vì cả một mùa xuân rộn ràng lời ca, tiếng hát át dịch bệnh.

Thanh Thảo

Bài 2: Rộn ràng khúc ca khải hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực