(Đọc tập thơ “Đi B” của Lê Quang Thưởng
Nxb Hội Nhà văn, H. quý II/2018)
Một ngày giữa thu trên đảo Phú Quốc, tôi tình cờ được gặp lại anh Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Anh ghi tặng tôi tập thơ - nhật ký mang tên ngộ nghĩnh “Đi B” với 77 trang, xuất bản vào quý II năm 2018. Tôi lướt nhanh “Lời ngỏ” của tác giả và mục lục. Chỉ vẹn vẹn có 20 bài; mỗi bài kèm theo trích đoạn nhật ký cuộc hành quân gian truân của người lính, mở đầu từ tháng 10 năm 1967 cho đến ngày Tổ quốc ta rợp bóng cờ bay, non sông liền dải. Tôi say mê đọc và gạch dưới nhiều câu, nhiều đoạn tâm đắc. Trong cuộc đời mỗi con người luôn có những điều ngẫu nhiên kỳ thú: sau khi nghỉ công tác quản lý, tôi có ý định viết Hồi ký về những năm tháng gian nan nhưng hào hùng ở Trường Sơn thời chống Mỹ, song vì nhiều lí do, tôi chưa thực hiện được thì nay đọc tập “Đi B”, tôi thầm cảm ơn tác giả đã nói hộ tôi cũng như nhiều người những tình cảm, nghĩ suy của một thời tuổi trẻ được tham gia đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Tập thơ Đi B của tác giả Lê Quang Thưởng.
Mở đầu cuốn sách là bài “Tạm biệt”, như bao người từng tạm biệt người thân, bạn bè, quê hương ra trận. Đó là chiều thu năm 1967, đoàn xe xuất phát từ nhà Thủy Tạ bên Hồ Gươm thơ mộng. Những địa danh anh qua, những thứ vẫn mang bên mình của người lính gợi bao kỷ niệm nao lòng: sông Chu, sông Mã, sông Gianh… - “những dòng sông vỗ sóng gọi ta về” (Cùng cảm nghĩ này, tôi đã viết bài thơ “Thì thầm những dòng sông” in trong tập thơ thứ ba “Miền thương nhớ” năm 2013). Rồi từ đất Ngàn Sâu (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đến vùng Tuyên Hóa (Quảng Bình) - nơi có đường số 20 mang tên Quyết Thắng gắn với kỳ tích Đội Thanh niên xung phong 25 Anh hùng (mà tôi đã viết bài phóng sự tại chỗ “Theo Bác mở đường”, được Đài Tiếng nói Việt Nam đọc nhiều lần trong dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ năm 1971). Đoàn quân “Đi B” dạo ấy gồm nhiều lớp người, nhiều ngành giới với nhiều nhiệm vụ khác nhau, ở nhiều mặt trận khác nhau. Nơi tác giả đến là căn cứ của Trung ương Đoàn Thanh niên Cách mạng miền Nam đóng ở Tây Ninh, với nhiệm vụ “hướng dẫn, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn địa phương về vận động thanh niên, học sinh, sinh vên các đô thị tham gia phong trào chống Mỹ, cứu nước” (còn tôi làm nhiệm vụ phóng viên quân sự của báo Nhân Dân tại Trường Sơn và mặt trận Trị - Thiên vào những năm cam go nhất - giai đoạn 1971-1972). Xuất phát điểm khác nhau, nhưng mang lý tưởng, mơ ước giống nhau: “Ta hạnh phúc được làm người chiến sĩ/ Ngày cùng đánh giặc, đêm tập làm thi sĩ/ Viết những vần thơ xây mộng đẹp cho đời/ Làm sáng lên những gương mặt bao người”.
Vốn là phóng viên báo Đảng, được phân công theo dõi, phản ánh phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” trong những năm 1968-1973, tôi thấu hiểu khí thế náo nức, tự hào của lớp trẻ lúc đó được nhập đoàn quân ra trận, dù phút giây tạm biệt gia đình, cơ quan có chút buồn man mác: “Người ơi đừng nhé lòng buồn/Tình nhà lệnh nước dậy nguồn tim ta”. Trước hết, trên hết vẫn là Tổ quốc thiêng liêng: “Ba lô ta mang nặng tình đất nước/Nửa hậu phương, nửa tiền tuyến trên vai”… “Tiếng súng dồn giục gọi phía xa/Ta lại bước, núi dù cao, đường dù xa, ta sẽ tới!”. Canh cánh trong tâm ý chí giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, tác giả luôn lạc quan vượt qua những trận mưa rừng, vuốt mặt mưa xối nước, tạm dừng chân mắc tăng, cột võng “quơ mấy cành khô nhóm lửa nấu cơm chiều/Mưa tràn vào chân mấy ông bếp/Gió lùa vào từng đợt/Lon gạo mãi không sôi/Ăn vội bát cơm chan mưa/Vẫn ngon lành như chưa bao giờ được thưởng thức…”.Hàng chục cơn sốt rét hành hạ vì triền miên ngủ rừng, cơm vắt, nhưng bao trùm trong tâm trí tác giả vẫn là cuộc đời người lính trong trẻo, đẹp đẽ, cao thượng, tự nhắc mình không được phép làm hoen ố những phẩm chất cao quý ấy. Chiến trường là một cuộc thử thách toàn diện giữa cái sống và cái chết, vì vậy đã có một số người lùi bước, đầu hàng địch. Tác giả tự răn mình: “Đói không thèm, thiếu không tham/Không ngon lành gì khi ăn miếng thịt hôi/Không gì vui hơn lúc xơi miếng cơm nắm chia đôi/Ta phải giữ lòng ta trong sạch”. Tôi bất ngờ đọc dòng cảm xúc xuất thần khi tác giả hành quân qua đất bạn, gặp các cô gái Lào, “Tóc xõa/Ngực trần/Váy bó sát thân”. Rồi “Em vụt đến, vụt đi/Để lại tiếng vòng chân/Kêu loảng xoảng/Để lại giọng nói, tiếng cười/Vừa lạ, vừa thân! Đọc đến đây, tôi tự hỏi: Phải chăng niềm lạc quan cách mạng, lý tưởng “Sống, lao động, chiến đấu, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” thời đánh Mỹ đã tạo ra động lực lớn lao không chỉ với tuổi trẻ, mà cả dân tộc ta đã bền bỉ nuôi dưỡng ý chí “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “dù còn cái lai quần cũng đánh”, tất cả vì sự nghiệp cao cả: “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” – như lời chúc của Bác Hồ dịp Tết Mậu Thân 1968.
Trong cái chung, có niềm hạnh phúc riêng của vợ chồng anh, đó là vào ngày 5/10/1968 về đến căn cứ biên giới ở Tây Ninh, anh nhận được thư vợ báo tin con gái đầu lòng ra đời. Vui mừng khôn xiết, anh viết bài thơ Với con, câu cuối không quên lời nhắn gửi: “Giặc tan, cha sẽ về sum họp/ Con yêu ơi, đợi nhé, cha về! Anh đã về gặp vợ con và bạn bè thân thiết. Anh đã trở thành cán bộ cấp cao, nhưng tình đời, tình người từ thuở Đi B vẫn ăm ắp trong anh, mà với tập thơ này, tác giả mới chỉ gửi gắm được một phần nào đó.
Hy vọng sẽ được đọc ở những cuốn tiếp theo với những góc khuất, chiều sâu trong tâm hồn người đã về với đời thường, nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết một thời tuổi trẻ./.
Phú Quốc, tháng 8/2018
Nguyễn Hồng Vinh