Thành phố Hồ Chí Minh cần được bảo tồn với tư cách là một thành phố di sản

Thứ năm, 22/11/2018 17:29
(ĐCSVN) – Với những tiềm năng và lợi thế, du lịch di sản văn hóa trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh được đánh giá một trong những sản phẩm có lợi thế của ngành du lịch. Đồng thời loại hình du lịch này đang được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Ngày 22/11, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học phát triển du lịch di sản văn hóa trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
 


Nhiều ý kiến được đưa ra tại Hội thảo góp phần phát triển du lịch di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung xoay quanh: thực trạng công tác phát triển du lịch di sản văn hóa tại TP.Hồ Chí Minh; những cơ hội và thách thức đặt ra đối với việc phát triển du lịch di sản văn hóa trong thời gian tới; các chính sách, mô hình, cách làm hay của các địa phương, giải pháp để khơi dậy, phát triển du lịch di sản văn hóa trên địa bàn.

Chúng ta có thể thấy, hiện nay, nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến phát triển du lịch di sản văn hóa. Tổ chức du lịch thế giới ước tính 37% du lịch toàn cầu xuất phát từ động lực mong muốn tìm hiểu văn hóa, khách du lịch di sản văn hóa thăm nhiều nơi hơn gấp 2 lần những khách du lịch khác, đồng thời họ ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và cũng chi tiêu nhiều hơn. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh thì đây cũng là điều mà ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng muốn hướng đến trong chiến lược phát triển du lịch.

Chia sẻ tại Hội thảo, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, TP. Hồ Chí Minh hiện có 172 di tích được xếp hạng. Với hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa. Loại hình du lịch này đang được xem là một trong ba sản phẩm có lợi thế của ngành Du lịch Thành phố (Đó là du lịch văn hóa lịch sử, du lịch MICE, du lịch ẩm thực). Trong thời gian qua, du lịch di sản văn hóa trên địa bàn thành phố tập trung vào hai loại hình chủ yếu là du lịch gắn với di sản văn hóa vật thể và du lịch gắn với di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Vũ cho rằng, việc phát triển du lịch di sản văn hóa góp phần quan trọng trong việc phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng sống xung quanh khu vực có di sản. Tuy nhiên không phải tài nguyên du lịch văn hóa nào, di sản văn hóa nào cũng được đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Theo thống kê của trung tâm bảo tồn di tích TP. Hồ Chí Minh, hiện có 172 di tích được xếp hạng nhưng chỉ khoảng 40 di tích chiếm tỷ lệ 23% thực sự được du khách trong nước và quốc tế quan tâm có nhu cầu tham quan du lịch và nằm trong tour của các công ty du lịch, công ty lữ hành.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở Du lịch Thành phố đa số các di sản văn hóa hiện đang khai thác vào mục đích du lịch không phân bố đồng đều ở các địa phương mà chủ yếu tập trung ở các khu vực trung tâm Thành phố và huyện Củ Chi, Cần Giờ. Các di sản ở trung tâm thì thường hạn chế về chỗ dừng đỗ xe còn các di sản ở xa trung tâm thì mất nhiều thời gian để di chuyển. Bên cạnh đó, không ít di sản còn đơn điệu chưa đủ sức hấp dẫn đối với du khách. Một số điểm di sản còn hạn chế thời gian mở cửa cho khách vào tham quan.

Khách du lịch nước ngoài tham quan một bảo tàng của Thành phố

Từ thực trạng hiện nay của du lịch di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, TP.Hồ Chí Minh cần được bảo tồn với tư cách là một Thành phố di sản/di sản đô thị gắn với phát triển du lịch bền vững. Trong quá trình phát triển, theo quy luật kinh tế - xã hội, đô thị tất yếu sẽ được thay đổi do đó, sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển cần phải được xác lập ngay trong thái độ ứng xử với quá khứ, với di sản văn hóa qua chính sách phát triển đô thị của lãnh đạo Thành phố. Chính sách phát triển đô thị phải được cụ thể hóa, pháp lý hóa vào trong các quy hoạch phát triển đô thị của TP. Hồ Chí Minh.

Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài, ngành Văn hóa và ngành Du lịch của Thành phố cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau đặc biệt nên thiết lập một danh mục các di tích, các công trình kiến trúc tiêu biểu cần được bảo tồn để các kiến trúc sư quy hoạch có cơ sở tham chiếu.

“Với tư cách là một di sản đô thị/thành phố di sản, TP. Hồ Chí Minh cần được tiếp cận mang tính liên ngành để nhận diện giá trị của nó như một tổng thể hoàn chỉnh. Bảo tồn di sản đô thị TP. Hồ Chí Minh để phục vụ nhu cầu phát triển bền vững nhưng không thể chỉ vì mục tiêu phát triển mà hi sinh di sản văn hóa và môi trường thiên nhiên của Thành phố. Bởi di sản văn hóa và môi trường thiên nhiên là hai yếu tố tạo nên tài nguyên quan trọng và cũng là động lực cho phát triển đô thị hiện tại và tương lai", ông Bài nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.Hồ Chí Minh Lê Cẩm Tú cho rằng, quan điểm về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển luôn phải được cụ thể hóa bằng từng chính sách, từng hành vi ứng xử cụ thể trong chuỗi hoạt động phát triển du lịch nói chung, du lịch di sản nói riêng. Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch, là chất liệu tạo nên sản phẩm du lịch. Vì thế, giữa du lịch và di sản văn hóa có một mối gắn kết vốn có. Mối gắn kết này sẽ ngày càng bền chặt khi di sản văn hóa ngày càng được gìn giữ, tôn tạo một cách hài hòa, khoa học tạo nên sức thu hút thú vị đối với du khách.

Theo bà Lê Tú Cẩm, TP.Hồ Chí Minh với vị thế đô thị đặc biệt, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, cũng là trung tâm du lịch, chúng ta đang và sẽ quan tâm nhiều đến việc xây dựng đô thị đặc biệt này trở thành đô thị di sản. Cùng với đó, Thành phố cũng cần quan tâm tới khái niệm du lịch có trách nhiệm, bởi du lịch có trách nhiệm là con đường đi tới phát triển du lịch bền vững./.

Tin, ảnh:V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực