Ý nghĩa lịch sử rất có giá trị trên những "vật báu" tại đền Trần (Nam Định)

Thứ năm, 18/02/2016 07:59
(ĐCSVN) - Lễ hội đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) năm nào cũng đông nghìn nghịt, đặc biệt là trong đêm khai ấn. Năm nay, lễ hội được tổ chức từ ngày 18/2 - 23/2/2016 (tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng năm Bính Thân), lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng.

Du khách về lễ hội chủ yếu để thắp hương, xin lộc, cầu may và mong muốn có được bản ấn mang về lấy may… Dường như nhiều người chưa để ý nhiều đến những bài học có ý nghĩa lịch sử rất giá trị thể hiện trên “vật báu” tại đền Trần.

“Vật báu” đó chính là những bộ cánh cửa rất đặc biệt tại đền Cố Trạch, một trong những di tích thuộc quần thể đền Trần. Những bộ cánh cửa này chạm khắc rất tỷ mỉ, sinh động. Khi tất cả các bộ cánh cửa khép lại, sẽ tạo thành một bức tranh lịch sử liên hoàn từ cảnh vua Trần lên ngôi hoàng đế đến hội nghị Diên Hồng với hình ảnh các cụ bô lão cùng dơ tay quyết đánh, binh sĩ khắc trên tay hai chữ “Sát Thát” thề không đội trời chung với giặc Nguyên Mông; cảnh Trần Quốc Toản bóp nát quả cam khi ông còn nhỏ tuổi không được  tham dự hội nghị Bình Than trên bến dưới thuyền; cảnh vua quan nhà Trần rút lui chiến lược khỏi kinh thành. Hình ảnh một số tướng tài của vương triều Trần cũng được khắc họa rất sinh động, như Trương Hán Siêu, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng. Kết thúc bức tranh lịch sử liên hoàn là trận Bạch Đằng nổi tiếng lịch sử năm 1288.

Các tích sử được chạm khắc trên bộ cánh cửa rất đa dạng và sinh động. Trong đó có hai tích truyện tiêu biểu nói về kế sách giữ nước và tinh thần đoàn kết của vương triều Trần:

Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải rất oai phong đĩnh đạc. Ông là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông và công chúa Thuận Thiên. Khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai năm 1285, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là vị tướng đứng đầu trong hàng quan văn, còn Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là vị tướng đứng đầu hàng quan võ. Nhưng do những nguyên nhân khác nhau, nên hai người có mối hiềm nghi xa cách. Một hôm, Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, thấy Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Quốc Tuấn đã nói vui với Trần Quang Khải rằng, “Mình mẩy cáu bẩn xin tắm giùm” rồi cởi áo Trần Quang Khải dùng nước lá thơm tự tay tắm cho Trần Quang Khải ngay tại thuyền. Ông nói, “hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Trần Quang Khải đáp lại “hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”. Sau sự kiện Trần Quang Khải được Trần Quốc Tuấn tắm, mối hiềm khích xưa đã tiêu tan, hai danh tướng đã trở nên thân tình, tin tưởng lẫn nhau cùng nhau chống giặc.  Đây được coi là tấm gương lớn về tinh thần đoàn kết của quân dân Đại Việt.

Kế sách giữ nước được các nghệ nhân miêu tả bằng hình ảnh quan quân nhà Trần đang rút lui chiến lược từ kinh đô Thăng Long về quê hương Thiên Trường (Nam Định). Tại sao gọi là rút lui chiến lược? Năm 1258, ba vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến vào xâm lược nước ta. Trước thế giặc mạnh, vua tôi nhà Trần tạm thời rút lui từ kinh đô Thăng Long về vùng đất Tức Mạc phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay). Các công việc tổ chức tạm thời tránh giặc do Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung- vợ thái sư Trần Thủ Độ đảm nhiệm. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cả Thăng Long đã không còn một bóng người. Khi giặc tới, kinh thành Thăng Long trống không, chỉ còn lại những tên sứ giả của chúng trong ngục mà ta đã tha chết. Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của giặc vì vậy bị phá sản. Giặc từ xa xôi tới, lương thảo hết lại gặp kinh thành trống không, chẳng có gì để cướp bóc, cùng với việc  không quen khí hậu nóng bức, khiến quân giặc rệu rã. Lúc này, quân dân nhà Trần đã mở cuộc phản công lớn, đánh bật quân Mông Cổ ra khỏi Thăng Long. Nhờ vận dụng sáng tạo kế “Thanh dã” (rút lui chiến lược) cùng với nhiều chiến lược tác chiến khác, chỉ trong nửa tháng, quân dân nhà Trần đã đánh bại cuộc  xâm lược của đế chế Mông Cổ hùng mạnh nhất thế giới, giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc.

Những kế sách, chiến lược của vương triều nhà Trần đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu. Kết hợp những bài học đó với truyền thống đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, nhất định chúng ta sẽ đánh bại được mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững non sông đất nước. Mong rằng ý nghĩa lịch sử vô giá đó sẽ được du khách tâm niệm khi về với lễ hội đền Trần.

Hình ảnh một số bộ cánh cửa có ý nghĩa lịch sử đặc biệt tại đền Cổ Trạch thuộc quần thể di tích đền Trần:

Bộ cửa số 1: Từ trái qua phải: Cánh thứ nhất, khắc chữ Sát Thát lên cánh tay; cánh thứ hai và ba Hội nghị Diên Hồng; cánh thứ tư trên lá cờ thêu hai chữ Đông A, ghép lại thành chữ Trần. Hào khí Đông A còn hiểu là hào khí nhà Trần. Ảnh: An Luých
Bộ cửa số 2: Cánh thứ nhất: Trương Hán Siêu dâng sớ đánh giặc; cánh thứ hai và ba: hội nghị Bình Than trên bến dưới thuyền; cánh thứ tư: Trần Quốc Toản không được dự hội nghị Bình Than tức bóp nát quả cam. Ảnh: An Luých
Bộ cửa số 3: Cánh thứ nhất là tướng Trần Bình Trọng; cánh thứ hai và ba: cảnh vua quan nhà Trần thực hiện kế Thanh dã- rút lui chiến lược; cánh thứ tư: Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Ảnh: An Luých

Bộ cửa số 4: Cả bốn cánh khép lại là cảnh liên hoàn trong thắng trận Bạch Đằng năm 1288. Ảnh: An Luých
An Luých (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực