Cà Mau: Ứng phó với sạt lở tại các địa phương giáp biển

Thứ năm, 17/08/2017 23:20
(ĐCSVN)- Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trên địa bàn huyện U Minh của tỉnh này, hiện tượng sạt lở liên tiếp xảy ra và có những đoạn dài hàng trăm mét.
Một điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Cà Mau được gia cố (Ảnh: NS)


Theo đó, mới đây nhất, đoạn đê biển Tây, gần Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Khánh Tiến, thuộc Ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh bị sạt lở nghiêm trọng với độ sâu 2 m, chạy dài 150 m. Rất may là đoạn đường ít người qua lại và không có nhà cửa nên thiệt hại về người cũng như tài sản đã không xảy ra.

Nhận định ban đầu về nguyên nhân sự cố, do nền đất yếu, kết hợp mưa liên tục nhiều ngày, lượng nước mưa lớn, gây ngập úng khu vực. Khi tháo nước chống úng, có thể làm giảm áp lực nước trên mái đê phía Đông gây trượt; hoặc có thể bên dưới nền đê có các túi bùn, tải trọng thân đê lớn gây trượt sâu nền, mái và chân đê.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Uỷ Ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương rào chắn, lắp đặt biển báo khu vực bị sạt lở để người dân biết, cấm người qua lại khu vực có sự cố. Chỉ đạo các bên liên quan tiếp tục quan trắc đoạn đã sạt lở và khẩn trương có biện pháp gia cố, không để đoạn có dấu hiệu sạt lở tiếp tục xảy ra sự cố.

Cũng tại khu vực nói trên có 4 đoạn sạt lở với chiều dài khoảng 648 m. Nhất là đoạn phía bờ Bắc vàm Tiểu Dừa, thuộc Ấp 11, xã Khánh Tiến, dài khoảng 14 m, chỉ còn 4m là đến thân đê; đoạn phía bờ Nam vàm Tiểu Dừa, chiều dài 22 m, chỉ còn 5 m nữa là đến thân đê; đoạn nối tiếp kè rọ đá bờ Nam Tiểu Dừa hướng về Hương Mai chiều dài 12 m, chỉ còn 2 m là đến thân đê; đoạn bờ Bắc, bờ Nam kinh Giồng Cát, thuộc Ấp  9, Ấp 10, xã Khánh Tiến, chiều dài 600 m đai rừng còn dày từ 20–40 m.

Ngoài ra, tuyến đê khu vực huyện Trần Văn Thời cũng xuất hiện nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, đoạn từ Đá Bạc đến Kinh Mới, thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây Bắc và ấp Kinh Mới, xã Khánh Hải, chiều dài sạt lở khoảng 877 m. Đoạn này hầu như không còn đai rừng phòng hộ để bảo vệ, sóng biển đánh trực tiếp vào chân đê. Đê đoạn bờ Bắc thị trấn Sông Đốc cũng có khoảng 250 m sạt lở nghiêm trọng. Trong đó có 2 vị trí sạt lở rất nguy hiểm với chiều dài khoảng 70 m, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 8 hộ dân.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, để hạn chế thiệt hại, đối với những đoạn sạt lở nguy hiểm mà chưa triển khai xây dựng kè cơ bản bên ngoài (kè cột ly tâm) thì Sở đã chuẩn bị sẵn sàng các loại vật liệu cần thiết như kè bản nhựa kết hợp với cừ tràm, bảo vệ sinh thái kết hợp với cừ tràm, ống cát, để xử lý kịp thời những sự cố xảy ra ngoài ý muốn.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện khoa học thủy lợi miền Nam và nhà thầu tìm giải pháp khắc phục. Tiếp tục quan trắc lún, trượt, đồng thời tiến hành khoan thăm dò địa chất để xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý. Đối với đoạn đang có nguy cơ sụt lún thì triển khai gia cố ngay bằng biện pháp đóng dọc theo tuyến đê./..

 

 

 

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực