Đồng Nai: Giao thông đường thủy có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao

Thứ tư, 16/03/2016 18:16
(ĐCSVN) - Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 123 bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng chỉ 50 bến có giấy phép, 73 bến không có giấy phép, hoặc giấy phép đã hết hạn hoạt động.

Giao thông đường thủy có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao (Ảnh: K.V)

Đồng Nai là tỉnh có mạng lưới sông ngòi tương đối dày đặc với 9 con sông, tổng chiều dài 152km; hồ Trị An rộng 32.000 ha; 15 cảng biển, 5 cảng đường sông, cùng với đó là trên một trăm bến thủy nội địa, 18 bến khách, gần 2.000 phương tiện thủy. Địa phương có nhiều bến thủy nội địa không phép là thành phố Biên Hòa 43 bến,  huyện Nhơn Trạch 9 bến và huyện Long Thành 8 bến. Trong khi đó, theo ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai, trình độ dân trí của người hành nghề trên sông nước, của thuyền viên, người lái phương tiện nhìn chung còn thấp. Các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy diễn ra nhiều, nhất là tình trạng lấn chiếm hành lang đường thủy để xây dựng nhà, công trình, mở bến bãi trái phép. Các vi phạm quy định quản lý khai thác cát, đá, sỏi, cắm đăng đáy, nuôi cá lồng lấn chiếm luồng chạy tàu vẫn còn xảy ra.

Mặc dù, trong năm 2015, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý và lập biên bản vi phạm hành chính 92 trường hợp, đình chỉ 64 bến không có giấy phép hoạt động, lập biên bản 1 trường hợp đưa phương tiện sà lan vào bốc dỡ hàng hóa tại bến không phép, tuy nhiên, do mức xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, nên các bến bãi hoạt động bất chấp quy định để thu lợi nhuận. Bên cạnh đó, vẫn xảy ra tình trạng việc kiểm tra, xử lý các bến thủy nội địa không phép nửa vời; phát hiện nhiều vi phạm nhưng chưa có vụ cưỡng chế nào khiến các bến vẫn lén lút hoạt động vào ban đêm nhằm đối phó với đoàn kiểm tra.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, giao thông đường thủy có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, bởi hiện còn nhiều bến thủy nội địa, phương tiện và người điều khiển tàu, phà chưa chấp hành tốt việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Đó là chưa kể các bến thủy nội địa không phép, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ hành nghề.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các sở, ngành phối hợp với địa phương rà soát lại bến thủy nội địa và kiên quyết đóng cửa những bến không phép, tăng các chế tài xử phạt ở mức cao nhất, nhằm ngăn chặn việc khai thác, chứa chấp, làm nơi tiêu thụ vật liệu xây dựng của những đối tượng khai thác lậu. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo các ban, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý cương quyết, đình chỉ hoạt động các bến thủy không có giấy phép hoạt động.

Theo đó, Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp soạn thảo tài liệu, tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến giao thông đường thủ nội địa trong đó chú trọng tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn tỉnh ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, các địa bàn, khi dân cư có hoạt động kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của nhà nước.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Biên Hòa chỉ đạo UBND các xã, phường tiếp tục tuyên truyền công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đúng theo quy định của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý cương quyết, đình chỉ hoạt động các bến thủy không có giấy phép hoạt động; chủ động phối hợp với Công an tỉnh,Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Biên Hòa tổ chức tháo dỡ biển báo neo đậu tại các bến thủy hoạt động không phép…

Công an tỉnh chỉ đạo Cảnh sát Đường thủy và Công an các huyện, thành phố Biên Hòa tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý cương quyết và nghiêm túc đối với các bến thủy nội địa kinh doanh không có giấy phép hoạt động, hành hóa không có nguồn gốc rõ ràng, các đối tượng bơm hút cát lậu trên sông, rạch, các hành vi vi phạm về điều khiển phương tiện không bằng, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không an toàn, chở quá tải trọng…

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, phường, xã yêu cầu các chủ mỏ ký cam kết không chở vật liệu ra các bến thủy nội địa không phép; tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở khai thác khoáng sản trên sông, hồ ảnh hưởng đến dòng chảy, sạt lở đất./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực