Hệ thống sông Đồng Nai vẫn đối mặt với ô nhiễm

Thứ hai, 11/12/2017 16:13
(ĐCSVN) – Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện lưu vực sông Đồng Nai lớn nhất tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, vận chuyển hàng hóa cho vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Mặc dù đã có nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, tuy nhiên, hệ thống sông Đồng Nai vẫn đang đối mặt với vấn nạn này.

Hiện nay, hệ thống sông Đồng Nai đang chịu áp lực về nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và khu dân cư rất lớn. Ngoài các khu công nghiệp còn có hơn 800 cơ sở có nguồn thải hơn 200 m3/ngày đêm xả ra sông. Dù phần lớn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra cục bộ ở những tỉnh, thành có công nghiệp phát triển.

Không chỉ là nơi tập trung các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh…, trên hệ thống sông Đồng Nai còn có rất nhiều phương tiện đường thủy vận chuyển hơn 100 triệu tấn hàng hóa/năm, chiếm 25% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy tại Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét ban hành các quy định hỗ trợ 11 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực liên kết và thực hiện công tác bảo vệ môi trường tốt hơn.

Hệ thống sông Đồng Nai đang phải đối mặt
với ô nhiễm môi trường trầm trọng (Ảnh: NS).

Sau khi có những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, thời gian qua, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, chất lượng nước trên sông Đồng Nai đã được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra cục bộ ở những đoạn sông chảy qua các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là vấn đề bức xúc, bới nguồn nước mặt hệ thống sông Đồng Nai không chỉ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 17 triệu người dân ở lưu vực mà còn là nơi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh này vẫn còn khoảng 20% cơ sở sản xuất mủ cao su, bột mì xả ra sông chưa được xử lý đạt chuẩn. Để bảo vệ nguồn nước mặt của hệ thống sông Đồng Nai, tỉnh đã yêu cầu các cơ sở trên đến hết năm 2017 phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi xả ra sông.

Ông Lê Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, kết quả quan trắc gần đây cho thấy nước trên sông Thị Vải có dấu hiệu ô nhiễm hơn so với 2 năm trước. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm tăng là do nước thải từ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất gần sông. Việc này đòi hỏi các tỉnh cùng phối hợp quản lý, giám sát chặt các nguồn thải ra sông.

Các địa phương cũng đã nêu ra nhiều yếu tố gây ô nhiễm hệ thống sông Đồng Nai, trong đó, nguồn thải của chăn nuôi cũng là một trong những yếu tố gây ra ô nhiễm cho lưu vực sông.Theo đó, thời gian qua, nước thải chăn nuôi của các địa phương ven hệ thống sông Đồng Nai hầu hết đổ ra các sông, suối, gây ô nhiễm khá nghiêm trọng. Những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển mạnh như: Bình Thuận, Bình Phước, Long An, Đồng Nai... cũng đang phải chịu ô nhiễm từ chăn nuôi và cũng đang quyết liệt xử lý để bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt chuẩn thải ra các sông, suối đang góp phần làm cho nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm ở nhiều đoạn.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, kênh Ba Bò gần đây bị ô nhiễm trở lại là do nước thải từ các khu dân cư đổ ra vì nhà máy xử lý nước thải đã quá tải. Hiện tỉnh Bình Dương đang đầu tư mở rộng nhà máy xử lý nước thải để giải quyết tình trạng ô nhiễm nặng tại kênh Ba Bò. Đồng thời, Bình Dương cũng đầu tư nhà máy xử lý nước thải trước khi xả ra suối Siệp giáp ranh tỉnh Đồng Nai.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm trên hệ thống sông Đồng Nai, một Ủy ban về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được thành lập. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua, Ủy ban này có cơ chế hoạt động không mang tính ràng buộc chặt chẽ, chủ yếu dựa vào sự đồng thuận giữa các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông nên nhiều vướng mắc liên quan đến nhau chưa xử lý được triệt để. Cụ thể là việc thống kê, cập nhật thông tin, dữ liệu nguồn thải giữa các cấp trung ương, địa phương còn thiếu sự thống nhất. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường chưa được nghiêm ngặt... Do đó, các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đồng Nai đã thống nhất đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính ban hành thêm những chính sách cụ thể, đồng nhất để bảo vệ môi trường lưu vực sông tốt hơn.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đồng Nai cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ đặt thêm nhiều điểm quan trắc nước thải tự động để kiểm soát nước thải ngoài các khu công nghiệp.

Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, phần lớn các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Đồng Nai đã làm xong thống kê, dữ liệu về nguồn thải nhưng chưa đưa được vào hệ thống chung để khai thác. Do đó, thời gian tới, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tích hợp lại và đưa ra khai thác chung, tạo thuận lợi trong việc bảo vệ môi trường cho lưu vực sông. Thời gian vừa qua, các địa phương như: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp đóng cửa tất cả các cơ sở khai thác cát và kiểm tra chặt chẽ, hạn chế xuống mức thấp nhất khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, có những tỉnh, thành vẫn chưa quan tâm nhiều, vẫn xảy ra khai thác cát trái phép ở những vùng giáp ranh. Hiện tỉnh Đồng Nai đã có quy định những nơi có nước mặt buộc các cơ sở ngưng dùng nước ngầm.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý và cùng giải quyết các vấn đề môi trường trong vùng. Đồng thời, các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông cần cam kết thực hiện hài hòa nguồn nước lưu vực sông, thống nhất các khu vực ưu tiên bảo vệ, các khu vực được phép khai thác, xả thải để bảo vệ lưu vực sông./..

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực