Kiên Giang sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã

Thứ sáu, 19/07/2019 18:46
(ĐCSVN)- Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trong năm 2019, nhập xã Hòn Thơm vào thị trấn An Thới để thành lập phường An Thới, thuộc thành phố Phú Quốc.

Các đại biểu biểu quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang

Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 634.878ha; dân số gần 1,8 triệu người. Từ năm 1975 đến nay, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh có những điều chỉnh, sắp xếp phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đạt được một số kết quả tích cực, góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Hiện nay, tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, 145 đơn vị hành chính cấp xã.

Đối với cấp huyện, có 04 đơn vị đạt cả hai tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số (Hòn Đất, Giồng Riềng, An Minh, Phú Quốc); 11 đơn vị chưa đạt chuẩn: Kiên Lương (chưa đạt về quy mô dân số), Gò Quao, Tân Hiệp, An Biên, Châu Thành, Rạch Giá (chưa đạt về diện tích tự nhiên), U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Hà Tiên, Giang Thành, Kiên Hải (chưa đạt cả 02 tiêu chuẩn). Riêng huyện Kiên Hải chưa đạt 50% 02 tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên.

Đối với cấp xã, có 85 xã đạt cả 02 tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên (chiếm tỷ lệ 58,62%); 18 xã chưa đạt về quy mô dân số (chiếm tỷ lệ 12,41%); 28 xã chưa đạt về diện tích tự nhiên (chiếm tỷ lệ 19,31%); 14 xã chưa đạt cả 02 tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 9,65%), trong đó có 06 xã đảo chưa đạt 50% cả 02 tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên (chiếm tỷ lệ 4,13%), Từ nay đến năm 2021 tỉnh Kiên Giang tiến hành sắp xếp 02 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Phú Quốc. Huyện Kiên Hải và 05 xã còn lại chưa đạt 50% về 02 tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên nhưng do đặc thù (biển đảo) nên không thực hiện sáp nhập.

Trong năm 2019, nhập xã Hòn Thơm vào thị trấn An Thới để thành lập phường An Thới, thuộc thành phố Phú Quốc (thực hiện đồng thời với đề án thành lập thành phố Phú Quốc). Năm 2020 và năm 2021, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021. Xây dựng và thực hiện kế hoạch, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn cho giai đoạn tiếp theo.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính; bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bằng các hình thức đa dạng, phù hợp, hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động trong nhân dân khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động về quan điểm, mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Cùng với đó, xây dựng danh mục vị trí việc làm để làm cơ sở xây dựng lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, xếp loại, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các tổ chức trong bộ máy hệ thống chính trị, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại những đơn vị hành chính mới. Quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp. Chậm nhất sau 05 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định.

Kịp thời tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, các hướng dẫn về sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền cấp huyện, cấp xã để chủ động cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khi có yêu cầu. Tạm dừng việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý khi cấp có thẩm quyền cho chủ trương xây dựng đề án sắp xếp.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đề cao trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả thực hiện Nghị quyết là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tổ chức giám sát quá trình triển khai thực hiện./.

Quốc Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực