Đổi mới công tác đánh giá cán bộ

Thứ bảy, 01/09/2018 11:08
(ĐCSVN) – Để đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều nội dung mới liên quan tới: tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, liên thông trong đánh giá.
Ảnh minh họa: Đặng Hiếu

Bất cập trong công tác đánh giá cán bộ

Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ.

Kết quả đánh giá, phân loại là cơ sở để cơ quan và người có thẩm quyền quản lý, sử dụng CBCCVC thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch (hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức), bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với CBCCVC.

Bộ Nội vụ cho biết, trên cơ sở quy định của Đảng về công tác đánh giá, phân loại CBCCVC, các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về công tác đánh giá, phân loại CBCCVC. Việc ban hành Nghị định đã tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác đánh giá phân loại CBCCVC. Tuy nhiên, dù có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp đánh giá theo vị trí việc làm nhưng công tác đánh giá còn nhiều khó khăn, bất cập.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ xác định công tác đánh giá CBCCVC là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn kết với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.

Điều này thể hiện ở việc các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể, chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc được giao của CBCCVC dẫn tới những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phản ánh không đúng thực trạng mức độ hoàn thành công việc của CBCCVC.

Hơn nữa, chưa đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong các tác đánh giá, phân loại CBCCVC dẫn đến tình trạng công tác đánh giá, phân loại còn bị động, chưa căn cứ vào đặc điểm, thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và đặc thù công việc của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

Một bất cập khác được Bộ Nội vụ chỉ ra là các quy định về phân loại, đánh giá còn có sự khác nhau giữa văn bản của Đảng, giữa đội ngũ cán bộ, công chức với đội ngũ viên chức, trong khi đó công tác cán bộ được xác định là công tác của Đảng, cần bảo đảm sự tập trung thống nhất.

Ngoài ra, việc chưa có sự liên thông trong sử dụng kết quả đáng giá giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể dẫn tới việc đánh giá nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, trùng lặp, tốn kém về thời gian và vật chất.

Đánh giá theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm

Từ những vướng mắc nêu trên, việc sửa đổi quy định về công tác đánh giá CBCCVC để khắc phục được những hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng là cần thiết.

Hiện tại, Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 88/2017/NĐ-CP.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trên quan điểm quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng trong công tác quản lý CBCCVC nói chung và công tác đánh giá, phân loại CBCCVC nói riêng, đặc biệt là nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị...

Theo Bộ Nội vụ, dự thảo Nghị định có nhiều nội dung mới so với Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, về mức đánh giá cán bộ, công chức, dự thảo Nghị định quy định 04 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong đó có mức hoàn thành nhiệm vụ thay cho mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực.

Về tiêu chí đánh giá, dự thảo Nghị định đã quy định những nội dung tiêu chí chung và cũng quy định cụ thể các tiêu chí liên quan đến đánh giá, phân loại đến CBCCVC.

Về phương pháp đánh giá, trong việc đánh giá CBCCVC lãnh đạo, quản lý, Quy định 89-QĐ/TW quy định khi đánh giá, phân loại phải có ý kiến của cấp ủy nơi cư trú. Quán triệt nội dung này, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú theo quy định hiện hành của Đảng đối với CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Về việc liên thông trong đánh giá CBCCVC, để bảo đảm sự thống nhất trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và đánh giá, phân loại đảng viên giúp tiết kiệm thời gian, vật chất, giảm thủ tục hành chính, dự thảo bổ sung nguyên tắc: “Kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn”. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phối hợp với cấp ủy, công đoàn cùng cấp thống nhất việc liên thông sử dụng kết quả đánh giá CBCCVC trong đánh giá đảng viên, đoàn viên công đoàn.

Đồng thời để tạo sự thống nhất, liên thông trong đánh giá CBCCVC là lãnh đạo, quản lý, dự thảo cũng quy định phải lấy ý kiến cấp ủy nơi công tác khi thực hiện đánh giá CBCCVC lãnh đạo, quản lý.

Trong các vấn đề trên, Bộ Nội vụ lưu ý 2 vấn đề còn có ý kiến khác nhau là: về mức đánh giá CBCCVC và về bảo đảm liên thông trong công tác đánh giá đảng viên, công đoàn viên và CBCCVC.

Trong đó, theo Ban soạn thảo Nghị định, việc bảo đảm liên thông trong công tác đánh giá là vấn đề quan trọng và rất phức tạp, ảnh hưởng đến công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, trên cơ sở quán triệt nguyên tắc đánh giá liên thông tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, nếu thực hiện được thì cũng giúp tiết kiệm thời gian, vật chất, giảm thủ tục hành chính. Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện, phù hợp về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ báo cáo Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu trước khi thống nhất quy định áp dụng chung.

Dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ đến ngày 21/10/2018./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực