Hà Nội: Kết quả công tác lãnh đạo khẳng định sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ

Thứ ba, 06/07/2010 22:28

(ĐCSVN)- Ngày 6-7 tại Hà Đông, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIV. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Trong 2 ngày làm việc, (từ ngày 06-07/7/), Hội nghị tập trung kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XIV; tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2006 - 2010; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trong tâm 6 tháng cuối năm 2010.

Chỉ đạo sáng tạo, kiên quyết, đồng bộ và hiệu quả

Nhiệm kỳ qua, thành phố Hà Nội phải giải quyết một khối lượng công việc lớn, trong đó có nhiều việc rất lớn, đột xuất, thậm chí chưa có tiền lệ, với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng trong điều kiện có biến động lớn về tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ chủ chốt. Đó là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; hoàn thành các công việc chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; khắc phục tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; trận lụt lịch sử… Vượt lên những khó khăn khách quan và chủ quan, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu và đổi mới mạnh mẽ phong cách làm việc, lãnh đạo đạt kết quả toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế tăng trưởng mạnh, an sinh xã hội được đảm bảo, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Trong điều kiện khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã kịp thời bàn và có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ để hạn chế tình hình lạm phát, suy giảm kinh tế… Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, trung bình đạt 10,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tổng đầu tư xã hội tăng cao…

Đặc biệt, sau khi hợp nhất, Thành ủy đã lãnh đạo làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chủ động xây dựng phương án, kịp thời chỉ đạo sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế, bố trí trụ sở làm việc, quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức để bảo đảm các cơ quan trong hệ thống chính trị của thành phố hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Sau khi sắp xếp, kiện toàn bộ máy đã tiến hành luân chuyển 57 cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành để tăng cường cho các quận, huyện, thị xã. Theo các đại biểu, đây là một trong những thành công rất đáng tự hào của Đảng bộ Hà Nội. Bởi sau sáp nhập có những sở, ngành có 12 đến 13 phó giám đốc nhưng đến nay Ban Chấp hành đã giải quyết ổn thỏa mọi việc.

Các chương trình, đề án, kế hoạch công tác của Thành ủy được chỉ đạo thực hiện bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong đó, 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy trên các lĩnh vực công tác được quan tâm chỉ đạo, một số chương trình đạt kết quả tốt. 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá được chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả. Trong đó công tác cán bộ được được chỉ đạo đồng bộ, có chuyển biến tiến bộ, là đòn bẩy để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Ban Chấp hành Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình số 02 của Thành ủy “Tạo chuyển mạnh về xây dựng, chỉnh đốn đảng giai đoạn 2006-2010”, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã phản ánh sát hơn với tình hình thức tế. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban hành các quy chế, quy định về công tác tổ chức, cán bộ, đảm bảo phân công, phân cấp mạnh, đồng bộ hơn cho cơ sở. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình và yêu cầu về chất lượng. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm đều đạt 75-80%, số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 60-65%, đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra…

Ngoài ra, các vấn đề về văn hóa giáo dục, thể dục thể thao, các vấn đề về an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, các chương trình tập trung cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… cũng đạt được những kết quả rất đáng tự hào…

Theo các đại biểu, những vấn đề đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua trong hoàn cảnh chưa có tiền lệ như vậy là rất đáng tự hào, khẳng định sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ. Ban Chấp hành đã kịp thời xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình làm việc của Ban Chấp hành, làm tốt công tác tư tưởng trong nhân dân, nhất là sau việc thực hiện Nghị quyết 15, nội bộ đoàn kết thống nhất cao. “Khi Hà Nội chưa sáp nhập, kinh tế phát triển đầu tàu của cả nước sau đó suy giảm do sáp nhập nhưng đến nay đã phát triển trở lại. Hà Nội lại trở thành một công trình lớn. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó” – Bí thư Quận uỷ Long Biên Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ thành phố Hà Nội vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Công tác chỉ đạo thực hiện một số chương trình công tác lớn của Thành ủy chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong hai khâu đột phá thì công tác cải cách hành chính vẫn chuyển biến chậm và chưa theo kịp với yêu cầu phát triển của xã hội. Theo các đại biểu, Thành ủy cần phân tích sâu hơn và rõ hơn về những hạn chế để có biện pháp quyết liệt trong thời gian tới.

Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo đại biểu Hoàng Thanh Vân, Bí thư huyện Ba Vì, trong lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tuy có quan tâm nhưng phát triển vẫn chậm, có sự không đồng đều giữa nội thành và ngoại thành, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp để nâng cao tốc độ phát triển của khu vực này cho xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

 

 Theo các đại biểu, tuy vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm nhưng kết quả mà Đảng bộ Hà Nội đạt được trong nhiệm kỳ 2006-2010 là rất đáng tự hào

Đồng tình với Bí thư huyện Ba Vì, Bí thư huyện Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Thạch yêu cầu phải làm rõ những lợi ích mà nông dân được hưởng lợi sau hợp nhất và Bí thư Mỹ Đức mong muốn các đồng chí trong Ban Chấp hành quan tâm hơn nữa đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bởi theo ông “sau hợp nhất nông nghiệp, nông dân ,nông thôn chưa được quan tâm lắm”…

Theo các đại biểu, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm chuyển biến chậm. Theo đại biểu Bùi Xuân Hộ, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thành phố thì “chúng ta phải đánh giá sâu, kỹ hiệu quả đầu tư. Chúng ta bỏ ra nhiều nghìn tỷ để đầu tư nhưng có nơi kinh tế không tăng, hiệu quả không cao. Đầu tư một số nơi còn giàn trải. Ví dụ như có nơi trường học, nhà văn hóa xây được mỗi bức tường rồi để lại. Chúng ta đầu tư 564 dự án bây giờ chúng ta đã nghiệm thu bao nhiêu?”

Có đại biểu nhấn mạnh đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, chất lượng của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn yếu. "Tính sáng tạo, năng động được vận dụng ít, cán bộ cứ bình bình cố gắng làm “tròn trĩnh” công việc của mình, giữ làm sao không có khuyết điểm chứ chưa thật sự năng động sáng tạo trong công việc”.

Tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cần có kế hoạch tổng thể và lâu dài cho công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ; gắn việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với các phong trào thi đua và các cuộc vận động khác; cần khen và chê rõ ràng…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực