Học tập lý luận chính trị: Nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất cán bộ trẻ
Bí thư Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan Trung ương Trần Hữu nhấn mạnh: học tập lý luận chính trị là một việc làm cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy lý luận của con người. Học tập lý luận chính trị không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là nghĩa vụ và là biện pháp nhằm nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất cán bộ nói chung và cán bộ trẻ nói riêng. V.I.Lênin từng nói: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”. Bác Hồ cũng chỉ ra rằng: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế...
Đồng chí Trần Hữu cho biết: Thời gian qua, công tác giáo dục lý luận chính trị của cán bộ trẻ trong các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Khối đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đoàn viên thanh niên về ý nghĩa, vai trò và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được nâng lên. Ðội ngũ cán bộ trẻ có bước phát triển về nhận thức, trình độ, bản lĩnh chính trị và năng lực tư duy, từ đó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và công việc, để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc công việc được giao, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch…
Tại hội thảo khoa học do Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng việc học tập lý luận chính trị cho cán bộ trẻ.
Thạc sỹ Đinh Trung Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Đối với các cán bộ trẻ còn trong tuổi đoàn thì cần phải học tập và nghiên cứu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc; các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đoàn; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn; nghị quyết đại hội đại biểu đoàn các cấp (đối với cán bộ đoàn cấp tỉnh, huyện, cơ sở và tương đương); nghị quyết, kết luận chuyên đề của Đoàn cấp tỉnh.
Nhận thức rõ vai trò của học tập lý luận chính trị và nhằm đáp ứng yêu cầu trong quá trình lãnh đạo và quản lý đất nước, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đầu tư, chú trọng công tác học tập lý luận chính trị của các cán bộ, đảng viên. Đối với đội ngũ cán bộ trẻ, công tác này càng được chú trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của chủ trương trẻ hóa cán bộ của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của Đảng, công tác học tập lý luận chính trị của cán bộ trẻ ngày càng thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, tăng cường sự thống nhất nhận thức, ổn định tư tưởng chính trị trong Đảng.
Tuy nhiên theo đồng chí Trần Hữu, chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao; nhiều cán bộ trẻ đã nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, lười học tập lý luận chính trị. Bên cạnh đó, chương trình học tập chậm đổi mới, những hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện thực nói chung, của quá trình đổi mới và phát triển đất nước nói riêng, ảnh hưởng của các tư tưởng phản động, thù địch, lối sống vật chất, văn hóa không lành mạnh cũng ít nhiều tác động tiêu cực đến nhận thức và tâm lý của một bộ phận cán bộ trẻ.
Các đại biểu cho rằng, tình trạng coi nhẹ học tập lý luận, coi nhẹ chính trị, chỉ chăm lo chuyên môn, nghiệp vụ đơn thuần, chạy theo bằng cấp để đạt tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức diễn ra khá phổ biến.
Học tập lý luận chính trị cho cán bộ trẻ là nghĩa vụ và quyền lợi
Theo Thạc sỹ Đinh Văn Bắc đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, để nâng cao chất lượng việc học tập lý luận chính trị của cán bộ trẻ thì bản thân mỗi người cần tự học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận chính trị. Mỗi cán bộ trẻ phải coi việc học tập lý luận chính trị không chỉ là một nhu cầu, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình mà còn là một phương pháp quan trọng nhằm bổ sung, hiểu biết thêm về những kiến thức lý luận chính trị, năng lực và kinh nghiệm công tác, đáp ứng với sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới.
Thạc sĩ Đinh Văn Bắc cho rằng: Bản thân mỗi cán bộ trẻ phải ý thức rõ nhất về vai trò của việc học tập lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghiên cứu lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ; đồng thời, tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị với cơ sở đào tạo trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng, xem việc lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên trẻ; Tiếp tục đổi mới nội dung giáo trình theo hướng giảng dạy, truyền thụ đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những học thuyết đương đại, vận dụng sáng tạo, tăng cường liên hệ thực tiễn. Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, ứng dụng các phương pháp hiện đại, hấp dẫn người học, tạo hứng thú tìm tòi, nghiên cứu…
Ở góc độ khác, theo đoàn viên Phạm Thị Hường, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì hình thức học tập lý luận chính trị góp phần quan trọng tạo hứng thú cho người học.
Chị Hường cho rằng: Ngày nay nhờ sự phát triển của không gian mạng đã làm thay đổi phương pháp học đối với bộ môn lý luận chính trị. Từ chỗ tưởng chừng bó hẹp trong môi trường học tập truyền thống, hàn lâm thì nay những nội dung, bài giảng lý luận chính trị được đăng tải rộng rãi trên các trang mạng chính thống của các tổ chức, cơ quan có chức năng và nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ trẻ. Một mặt, không gian mạng trở thành một phương tiện truyền thông của các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị hành chính trong hệ thống chính trị. Mặt khác, chính không gian mạng cũng tạo ra một môi trường học tập mở, giải phóng sức sáng tạo, tính chủ động của người học.
Với việc học lý luận chính trị, không gian mạng có thể số hóa thư viện tư liệu, sách, những tài liệu phong phú có liên quan mà người học có thể tìm kiếm và sử dụng khi cần. Với việc vận dụng, thực hành, không gian mạng cũng có thể cung cấp những luận cứ (đã được tổng hợp từ thực tiễn) để minh họa và làm dẫn chứng.
Tuy nhiên theo chị Phạm Thị Hường, cũng giống như thế giới thực, luôn có những cạm bẫy, mối nguy hại rình rập. Thế giới ảo cũng vậy, chính phủ không thể kiểm soát và ngăn chặn hết được những thông tin độc hại, sai lệch do đó khi tham gia vào không gian mạng, mỗi cá nhân cần chuẩn bị và tự trang bị cho mình một vốn tri thức nhất định về chính trị. Vì vậy, mỗi cán bộ cần thường xuyên học hỏi, trau dồi các tri thức về chính trị, đặc biệt là cập nhật các nội dung chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khai thác không gian mạng như một công cụ hữu ích giúp cho việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị…
Chị Phạm Thị Hường cho rằng: Việc tận dụng không gian mạng
là một trong những phương pháp giúp việc học tập lý luận chính trị trong cán bộ trẻ đạt hiệu quả.
Thạc sỹ Lưu Văn Thắng đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Để công tác giáo dục lý tưởng, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trở thành việc làm thường xuyên trong từng suy nghĩ, từng nhịp thở của mỗi đoàn viên, mỗi Thanh niên, mỗi người cán bộ trẻ không chỉ cần sự nỗ lực của mỗi thanh niên, mà cần sự quan tâm, triển khai từ nhiều phía trong toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó, tổ chức Đoàn giữ vai trò nòng cốt.
Như vậy, mỗi tổ chức Đoàn cần tăng cường giáo dục chính trị cho thế hệ cán bộ trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, với sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của đoàn thể và toàn xã hội. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với thế hệ cán bộ trẻ, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh niên, nhất là ở các thành phố lớn và địa bàn nhạy cảm.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên cần phải tham mưu, đề xuất với các cấp ủy đảng kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của cán bộ trẻ, tạo ra cầu nối giữa tổ chức và cán bộ trẻ. Hơn nữa, cần phải tăng cường công tác giáo dục xã hội thông qua các đoàn thể nhân dân, các tổ chức nhà nước với thể chế chính trị, pháp luật, văn hoá, đạo đức... góp phần thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình phát triển nhân cách toàn diện của cán bộ.../.