Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ Ngô Đức Thịnh báo cáo
thực hiện Đề án trình Bộ Nội vụ tổ thẩm định. (Ảnh: Nguyễn Huyền)
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã; Nghị quyết số 635/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; Nghị quyết số 32/NP-CP của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Ban thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 72-NQ/TU về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 3089/KH-UBND về sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021.
Theo đó, sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã không đủ 50% cả 02 tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định để thành lập ĐVHC cấp xã mới. Dự kiến đến năm 2020, ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp được kiện toàn về tổ chức và đi vào hoạt động.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Đức Thịnh, tỉnh Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, trong đó có 11 huyện, 01 thành phố thuộc tỉnh và 01 thị xã.
Số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Phú Thọ có 277 đơn vị, trong đó có 248 xã, 18 phường và 11 thị trấn. Số ĐVHC cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 40 xã.
Theo phương án sắp xếp các ĐVHC, tỉnh Phú Thọ đề nghị chưa thực hiện sắp xếp xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập trong giai đoạn 2019 - 2021 với lý do, đây là xã trọng yếu về quốc phòng.
Về phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh Phú Thọ thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã (75 xã, 04 phường và 01 thị trấn) thuộc 10 ĐVHC cấp huyện. Trong đó, 39 xã có 02 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định sắp xếp với 41 ĐVHC cấp xã khác liền kề.
Như vậy, số lượng ĐVHC cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp là 225 đơn vị, trong đó: 197 xã, 11 thị trấn và 17 phường. Số lượng ĐVHC cấp xã giảm do sắp xếp là 52 đơn vị, trong đó có 51 xã và 01 phường.
Bên cạnh phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, tỉnh Phú Thọ cũng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; phương án bố trí người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã…
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tỉnh đã xây dựng lộ trình và đề ra giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.Theo đó, trong năm 2019, đối với cấp xã lập, niêm yết danh sách cử tri, lấy ý kiến cử tri và tổ chức họp HĐND thông qua Nghị quyết Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã thành lập ĐVHC cấp xã mới trước ngày 7/8/2019. Đối với cấp huyện, xây dựng xong Đề án và tổ chức họp HĐND cấp huyện thông qua Nghị quyết trước ngày 16/8/2019. Đối với cấp tỉnh, xây dựng Đề án và tổ chức họp HĐND cấp tỉnh thông qua Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019 - 2021 hoàn thành trước ngày 30/8/2019 và hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ dự kiến xong trước ngày 5/9/2019.
Trong năm 2020, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị nhân sự để tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại những đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành. Đồng thời xác định vị trí việc làm, quy định số lượng cán bộ, công chức các ĐVHC cấp xã hình thành mới sau sắp xếp, sáp nhập trước ngày 30/1/2020. Xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo mục tiêu giảm về đúng số lượng quy định sau 05 năm.
Năm 2021, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Dự kiến các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2030 theo quy định của Trung ương.
Được biết, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Để Đề án có thể hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền theo quy định,Bộ Nội vụ đề nghị tỉnh Phú Thọ cần giải trình, bổ sung thêm một số nội dung: tên của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp cần được giải trình rõ và thuyết phục hơn, vì hiện trong đề án, có một số tên của xã mới sau sắp xếp tên mới không liên quan đến tên xã cũ; đối với những xã sau khi sắp xếp nhưng không đủ điều kiện theo quy định thì cũng phải có giải trình chi tiết, lý giải chi tiết và phù hợp hơn; bổ sung các giải pháp về chuyển đổi giấy tờ liên quan đến người dân trên địa bàn; Hệ thống bản đồ đối với các ĐVHC thuộc diện sắp xếp và sau khi sắp xếp cũng cần bổ sung và kèm theo đề án tăng tính thuyết phục khi thẩm định và trình cấp có thẩm quyền./.