Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
trao Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 20. (Ảnh:TA)
Sáng 6/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 32-CTr/TU, ngày 04/4/2008, của Thành ủy Hà Nội (khóa XIV) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương, hiện nay, toàn Thành phố có 231 nghìn doanh nghiệp, với tổng số 2,5 triệu công nhân lao động, chiếm 33% dân số và chiếm 66% tổng số lao động của Thành phố. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể Thành phố về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong 10 năm qua, toàn Thành phố đã mở trên 1 nghìn lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức gần 35 nghìn các cuộc tuyên truyền về bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp… cho người lao động; đào tạo, cung cấp cho thị trường 1,6 triệu lao động, nâng tổng số lao động qua đào tạo của Thành phố lên 60,7%.
Thành phố đã chỉ đạo các ngành phối hợp xây dựng và triển khai các dự án về nhà ở, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Đến nay đã có hàng chục nghìn chỗ ở được hoàn thiện, qua đó từng bước nâng cao đời sống công nhân lao động, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất của Thành phố. Đặc biệt, Hà Nội có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, với hàng vạn công nhân lao động nhưng chính quyền đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn các cấp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các vấn đề vướng mắc, kịp thời giữ ổn định tình hình ở cơ sở.
Việc thực hiện chính sách pháp luật, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được quan tâm, thực hiện tốt. Toàn Thành phố mở gần 1 nghìn phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho gần 143 nghìn lao động. Đời sống, việc làm của người lao động được nâng cao, bình quân thu nhập của người lao động tăng từ 2 triệu đồng/tháng (năm 2008) lên gần 6 triệu đồng/tháng. Liên đoàn Lao động Thành phố cũng phối hợp kiểm tra, thanh tra 1.390 doanh nghiệp về thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, công tác an toàn vệ sinh lao động…, trong đó hậu kiểm việc nợ đọng bảo hiểm xã hội tại 105 doanh nghiệp, thu được gần 450 tỷ đồng. Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng đã phối hợp kiểm tra trên 6 nghìn doanh nghiệp; phối hợp giải quyết kịp thời 59 cuộc tranh chấp lao động; phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho trên 55 nghìn lao động...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 20 của Trung ương và Chương trình hành động số 32 của Thành ủy Hà Nội còn có những hạn chế cần phải tiếp tục tập trung khắc phục. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cấp uỷ đảng chưa quyết liệt, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động tuy đã được các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp, nhưng số lượng các doanh nghiệp được kiểm tra đạt tỷ lệ thấp so với số lượng doanh nghiệp tăng nhanh trên địa bàn Thành phố; nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến người lao động về thu nhập, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TA)
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức công đoàn và các đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU, gắn với thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” và “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, trung tâm đào tạo, dạy nghề của Thành phố, để ngày càng có nhiều loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng lực lượng lao động của Thành phố, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tình hình mới.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo các cấp chính quyền, Công đoàn, các sở, ban, ngành Thành phố phối hợp chặt chẽ trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của công nhân lao động, trong đó thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ của các doanh nghiệp đối với người lao động... Có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động theo luật định. Tiếp tục thực hiện các dự án về nhà ở tại các khu công nghiệp và chế xuất và đổi mới cơ chế quản lý, tạo điều kiện để công nhân vào thuê ở, xây dựng các thiết chế văn hóa, phúc lợi công cộng ở nơi tập trung đông công nhân lao động... qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân....
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 32-CTr/TU./.