TP Hà Tĩnh thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Thứ năm, 19/09/2019 18:27
(ĐCSVN) – Theo các tiêu chí trong Nghị quyết của Quốc hội, TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) có 4/16 đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số. Để thực hiện phương án sáp nhập 2 xã trong thời điểm hiện tại, Thành phố đã đưa ra nhiều phương án để có lựa chọn phù hợp nhất với lịch sử và thực tiễn của địa phương.
Lãnh đạo Thành ủy Hà Tĩnh làm việc với cán bộ, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình địa phương

Thành phố Hà Tĩnh hình thành từ thị xã Hà Tĩnh với 02 tiểu khu (Bắc Hà, Nam Hà) sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi  địa giới hành chính và nâng hạng đô thị, hiện nay thành phố Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, diện tích tự nhiên 54,5495 km2, dân số 101.008 người, có 16 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; thành phố Hà Tĩnh có 04 đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập là: Thạch Bình, Thạch Đồng, Thạch Hưng, Thạch Môn.

Theo đồng chí Lương Quốc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nhằm tinh gọn bộ máy, góp phần nâng cao đời sống, giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc; tạo động lực cho các đơn vị phường, xã chủ động trong việc sắp xếp, bố trí cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Tuy nhiên, đồng chí Lương Quốc Tuấn cũng cho biết, xã Thạch Đồng, xã Thạch Môn liền kề với các xã Thạch Hạ, Thạch Hưng và phường Thạch Quý, nhưng không thể sáp nhập thêm với đơn vị hành chính cấp xã liền kề.

Lý giải việc này, đồng chí Tuấn cho biết, nếu sáp nhập thêm xã Thạch Hưng thì đơn vị hành chính mới có quy mô về diện tích bằng ¼ diện tích toàn thành phố nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch chung và tính chất phát triển của thành phố. Mặt khác, xã Thạch Hưng hiện nay đã đạt các tiêu chuẩn của phường (theo tiêu chuẩn của phường đạt 65 điểm, dự kiến đến năm 2021 đạt từ 107-114%). Diện tích 4,67 km2 (đạt 84,9%) và dân số dự kiến đến năm 2021 có trên 7.200 dân (đạt 102,8%), và đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xã Thạch Hưng hiện đang còn nhiều quỹ đất để phát triển đô thị; dự kiến khi phát triển hết quỹ đất với mật độ dân số như hiện nay sẽ đáp ứng khoảng hơn 40.000 dân nên sau này Thạch Hưng sẽ trở thành một phường lớn của thành phố Hà Tĩnh và là phường có quy mô diện tích gấp 5 lần các phường trung tâm như Trần Phú, Tân Giang, Bắc Hà...

Phương án nếu sáp nhập thêm xã Thạch Hạ thì đơn vị hành chính mới có quy mô diện tích bằng 1/3 diện tích toàn thành phố nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch chung và tính chất phát triển thành phố. Mặt khác, Thạch Hạ là xã có tỷ lệ giáo dân cao (chiếm 70%), phong tục, tập quán khác biệt so với 02 xã Thạch Đồng, Thạch Môn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Lương Quốc Tuấn khẳng định, cả hai phương án này đều khó khăn cho công tác quản lý và tình hình đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nên đều không có tính khả thi.

Hai xã Thạch Hưng và xã Thạch Bình hiện chưa được Thành phố Hà Tĩnh đưa vào sắp xếp bởi tính đến nay, xã Thạch Bình cơ bản đã đáp ứng các điều kiện của phường về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13. Theo chương trình phát triển đô thị của thành phố (Quyết định số 3926/QĐ-UBND ngày 09/10/2015 của UBND tỉnh) thì xã Thạch Bình sẽ trở thành phường vào năm 2021, vì vậy chưa sắp xếp trong giai đoạn này để xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp đô thị đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị chung của thành phố Hà Tĩnh.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Lương Quốc Tuấn khẳng định, như vậy hiện tại phương án sáp nhập 02 xã Thạch Đồng và Thạch Môn là phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử (hai xã trước đây là xã Đồng Môn, được tách ra từ năm 1954).

Phó Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Lương Quốc Tuấn chia sẻ những cách làm của Thành phố trong việc sáp nhập các đơn vị hành chính

Thận trọng, từng bước từ cơ sở

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Tĩnh, đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính 2 xã Thạch Đồng, Thạch Môn sẽ nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên 3,4 km2 và dân số 3.749 người của xã Thạch Đồng vào xã Thạch Môn có diện tích tự nhiên 5,53 km2, dân số 3.185 người. Sau khi sáp nhập, diện tích tích tự nhiên của xã mới là 9,93 km2, dân số trung bình là 6.934 người.

Đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính 2 xã Thạch Đồng, Thạch Môn được đưa ra lấy ý kiến cử tri từ cơ sở. Kết quả số cử tri tán thành tại các địa phương: Thạch Đồng: 97,5%; Thạch Môn: 99,6%.

Tại kỳ họp HĐND Thành phố diễn ra cuối tháng 7/2019, sau khi nghe các nội dung và ý kiến phát biểu của đại biểu, 100% đại biểu HĐND thành phố có mặt tại kỳ họp đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập 2 xã Thạch Đồng và Thạch Môn thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là xã Đồng Môn. Hiện nay, Đề án đang được trình lên các cấp có thẩm quyền để phê duyệt.

Đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Thành phố đã triển khai xây dựng đề án, phương án sáp nhập, thực hiện quy trình được thành phố thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y cho rằng khi sáp nhập 2 xã sẽ phù hợp với yêu cầu phát triển, tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, phát triển; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đề án sáp nhập, thành phố cần chú trọng sắp xếp lộ trình, phân kỳ thực hiện các bước sau sáp nhập, nhất là về bố trí, sử dụng cơ sở vật chất, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ.

Kỳ họp thứ 13 HĐND Thành phố Hà Tĩnh thông qua Nghị quyết sáp nhập 2 đơn vị hành chính là xã Thạch Đồng và xã Thạch Môn thành một xã mới.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Theo đánh giá của HĐND Thành phố Hà Tĩnh, việc sáp nhập các đơn vị hành chính góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình sắp xếp bộ máy, sẽ lựa chọn được những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tín nhiệm để bố trí đảm nhận các chức danh đảm bảo đúng theo quy định; góp phần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Sau khi sắp xếp sẽ giảm được 01 đơn vị hành chính cấp xã, đồng nghĩa với việc giảm được khoảng 19 cán bộ công chức và 08 người hoạt động không chuyên trách. Hàng năm, tiết kiệm chi ngân sách hành chính khoảng 2,5 tỷ đồng; vì vậy sẽ tập trung được nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Quy mô một số vùng sản xuất chuyên canh, nuôi trồng được mở rộng và phát triển theo hướng kinh tế đô thị; việc quản lý hệ thống tưới tiêu, thoát lũ được thực hiện đồng bộ. Việc sáp nhập cũng có điều kiện để rà soát và thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, phát triển các khu đô thị, nâng cao giá trị kinh tế đất và nâng cấp xã mới thành phường khi đủ điều kiện.

Hệ thống giáo dục, y tế được sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng sẽ góp phần phục vụ nhân dân được tốt hơn; công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân, các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hệ thống y tế, giáo dục.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công Đề án, Thành phố Hà Tĩnh sẽ còn nhiều việc phải làm như: sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất; sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư. Việc điều hành ngân sách của xã mới sẽ gặp một số khó khăn vướng mắc, nhất là việc bố trí các nguồn trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản và huy động các nguồn xã hội hóa trên địa bàn; việc quản lý, xử lý các tài sản công dư thừa như các trụ sở, trạm y tế... nếu không được thực hiện tốt sẽ gây sự phản ứng trái chiều trong nhân dân đặc biệt là các công trình mới được đầu tư, nâng cấp.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã sẽ tác động đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều vị trí việc làm. Phải đề cao trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thực hiện quyết liệt, linh hoạt; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để xử lý tốt các vấn đề liên quan công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức và người dân. Từ đó, tạo dư luận, đồng thuận của toàn dân, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Hiền Hòa - Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực