Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ

Thứ sáu, 24/03/2017 12:47
(ĐCSVN) – Trong 45 năm qua, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1972), mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Trên nền tảng tốt đẹp của quan hệ song phương, hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Việt Nam, tháng 9/2016.
 (Ảnh: TTXVN)


Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ không ngừng phát triển


Quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng, cùng lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, ngày càng phát triển bền vững. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/1/1972. Năm 2007, Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9/2016, lãnh đạo hai nước Ấn Độ và Việt Nam đã nhất trí nâng cấp quan hệ giữa hai nước từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện. Nhấn mạnh về ý nghĩa của sự kiện trọng đại này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish cho rằng, việc nâng cấp quan hệ Ấn Độ - Việt Nam lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện là một hành động thiện chí thể hiện sự tin tưởng và sự trân trọng của hai bên cho mối quan hệ song phương. Đây cũng là sự công nhận đối với mối quan hệ chặt chẽ về an ninh, quốc phòng và mong muốn của hai bên được đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Mối quan hệ này bao gồm nhiều lĩnh vực như: Hợp tác phát triển, trao đổi chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển nhân lực, kinh tế và thương mại, trao đổi văn hóa và học bổng cũng như hỗ trợ ODA...

Trong hơn 45 năm  qua, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Các cơ chế hợp tác như: Ủy ban hỗn hợp hai nước, Tham khảo Chính trị và Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao, Đối thoại Quốc phòng đã phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt và phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thứ 4 của Ấn Độ trong khối ASEAN. Mức tăng trưởng trung bình về trao đổi thương mại hàng năm là 16%, hiện đạt 5 tỷ USD. Lãnh đạo hai nước đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương gấp 3 lần, đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Ấn Độ với hơn 130 dự án được triển khai. Ngoài ra, hai bên hợp tác rất hiệu quả trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nhất là về chia sẻ thông tin, đào tạo huấn luyện, cung cấp trang thiết bị. Hợp tác khoa học công nghệ, văn hóa và giáo dục-  đào tạo cũng có nhiều tiến bộ.

Đánh giá về những thành tựu của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam – Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức ngày 21/3 vừa qua, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trong 45 năm qua, quan hệ chính trị ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ được nâng cấp, nâng tầm phát triển một cách sâu sắc và hết sức tốt đẹp. Sự tin cậy chính trị rất cao giữa hai nước là nền tảng cho thành quả này. Hai nước có sự song trùng về lợi ích chiến lược, sẵn sàng tin tưởng chia sẻ với nhau trên hầu hết các vấn đề song phương cũng như đa phương... Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở tuyên bố mà Ấn Độ có những hành động thực tế phối hợp với Việt Nam để đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác tự do hàng hải ở trên Biển Đông. Sự tin cậy chính trị đó được củng cố thông qua việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Những năm gầy đây, các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã đến thăm Ấn Độ và ngược lại, các nhà  lãnh đạo Ấn Độ đã đến Việt Nam, tổ chức nhiều diễn đàn không chỉ ở vi mô mà cả tầm vĩ mô.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, hợp tác kinh tế, bao gồm thương mại, đầu tư và du lịch là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Đây là một thành tố rất quan trọng và cũng có rất nhiều tiềm năng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay, hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đó.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish cho rằng, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại là một trong những mục tiêu chiến lược của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ - Việt Nam. Lãnh đạo hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 15 tỉ USD vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên, hai nước cần chủ động thắt chặt mối quan hệ về thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá các sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu chủ lực như: Dệt may, dược, linh kiện điện tử, máy móc và thiết bị; tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn và hợp tác thương mại.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực

Có thể khẳng định, trong 45 năm qua, quan hệ song phương Việt Nam – Ấn Độ không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực và đã đáp ứng cho sự phát triển bền vững của mỗi nước và góp phần duy trì hòa bình trên thế giới. Trên nền tảng tốt đẹp của quan hệ song phương, hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.

Theo GS. TS Mạch Quang Thắng - giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trong 45 năm qua, trong đó có 10 năm là đối tác chiến lược vừa đáp ứng cho sự phát triển bền vững của mỗi nước, lại vừa đáp ứng cho sự tồn tại lành mạnh của nhân loại… “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới không đơn thuần là sự tiếp nối lịch sử mà còn cần được phát triển, cần được gia cường. Chúng ta phải đặt quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vào khung cảnh chung của các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam cần nâng Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ lên tầm quốc gia và phía Ấn Độ cũng nên như vậy. Ngoài ra, hai bên cần hợp  tác hơn nữa ở những vấn đề đã thỏa thuận” - GS. TS Mạch Quang Thắng nhấn mạnh.

Đề xuất về những giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish nhấn mạnh: Trong thời gian tới, hai bên cần nâng tầm hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên như: Kinh tế thương mại, quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ…; cần phài có sự tiếp cận nhiều mặt để thực hiện hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia và khai thác các tiềm năng phát triển mà hai bên có. Hai quốc gia sẽ đạt được nhiều lợi ích khi mở đường bay thẳng và kết nối hàng hải. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân bằng việc tăng cường du lịch và văn hóa, cần nhiều hơn nữa các trao đổi về văn hóa giữa hai bên.

45 năm qua, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trải qua một chặng đường dài và thu được những thành tựu hợp tác tốt đẹp dựa trên nền tảng của sự tin cậy về chính trị. Với bề dày thử thách và đang được tạo đà để phát triển, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đứng trước triển vọng phát triển tốt đẹp trong thời gian tới vì lợi ích của nhân dân hai nước./.


Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực