Cần tăng tốc cuộc chiến đẩy lùi bệnh sốt rét

Thứ năm, 25/04/2024 08:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – “Đẩy nhanh cuộc chiến chống sốt rét vì một thế giới công bằng hơn” là thông điệp mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhân Ngày Sốt rét Thế giới (25/4) năm nay.

Ngày Sốt rét Thế giới là một sự kiện quốc tế được tổ chức vào ngày 25/4 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về bệnh sốt rét và huy động các nỗ lực kiểm soát và loại trừ căn bệnh này. Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, dễ lây truyền từ người này sang người khác do muỗi đốt với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ và mệt mỏi.

Số liệu mới nhất mà WHO đưa ra cho thấy, trong năm 2022, thế giới ghi nhận 249 triệu ca sốt rét và 608.000 ca tử vong. Tuy nhiên, có một thực tế là trong những năm gần đây, tiến bộ trong việc giảm số ca bệnh sốt rét đã bị chậm lại.

Đẩy nhanh hơn nữa cuộc chiến chống sốt rét

Theo WHO, bệnh sốt rét không chỉ tiếp tục gây ra những nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe và thiệt hại tới tính mạng con người mà còn khiến kéo dài vòng luẩn quẩn về sự bất bình đẳng trong xã hội. Trong đó, những người dễ bị thương tổn nhất là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, những người tị nạn, người có lối sống du canh, du cư, người dân bản địa.

Khu vực châu Phi là nơi chịu gánh chịu gánh nặng bệnh tật nặng nề nhất – chiếm tới 94% số ca mắc và 95% số ca tử vong do sốt rét vào năm 2022. Người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở châu Phi đang sống trong tình trạng nghèo đói và ít có cơ hội tiếp cận với giáo dục – là những nhóm đối tượng bị tác động nhiều nhất.

 Phụ nữ tham gia tập huấn sử dụng màn chống muỗi ở Kenya. (Ảnh:WHO)

Với bối cảnh tình hình như hiện nay, các cột mốc quan trọng vào năm 2025 trong chiến lược phòng chống sốt rét toàn cầu của WHO nhằm giảm số ca mắc và tử vong có thể bị bỏ lỡ. Điều đáng lưu ý là, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ là nhóm người dễ bị thương tổn nhất nhưng lại không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và chữa trị sốt rét.

Nhân Ngày Sốt rét Thế giới (25/4), WHO đưa ra thông điệp “Đẩy nhanh cuộc chiến chống sốt rét vì một thế giới công bằng hơn”, nhằm đẩy mạnh loại bỏ rào cản để tạo nên sự bình đẳng giới, nhân quyền và sự công bằng trong hưởng lợi từ các dịch vụ y tế nhằm ứng phó cũng như đưa ra các biện pháp cụ thể để vượt qua dịch bệnh sốt rét trên toàn cầu.

Theo WHO, các nhóm dân di cư như thợ mỏ, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, săn bắt cá, binh lính, người làm việc trong rừng có nguy cơ mắc sốt rét cao hơn. Nhất là trong bối cảnh họ hay phải làm việc vào thời điểm muỗi xuất hiện nhiều và họ thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, xa các cơ sở, dịch vụ y tế.

Trong đó, phụ nữ mang thai bị suy giảm miễn dịch khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn, gia tăng nguy cơ bị sốt rét ác tính và tử vong. Việc lây nhiễm sốt rét ở phụ nữ mang thai cũng gây ra nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đáng  kể cho cả mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh bao gồm tình trạng thiếu máu, thai chết lưu, thiếu cân, sinh non, yếu tố nguy cơ cao gây tử vong ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các tình huống khẩn cấp về nhân đạo, xung đột bao gồm thiên tai ở các quốc gia có sốt rét hiện hữu khiến người dân phải di dời cũng khiến họ dễ bị mắc bệnh. Khi không được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế tốt cũng góp phần làm ảnh hưởng tới các yếu tố xã hội và tác động đến vấn đề sinh kế, chế độ dinh dưỡng của người dân, vấn đề di cư và an ninh...

Những nỗ lực cụ thể góp phần đẩy lùi sốt rét

Một dự án có tên gọi “Dự án Màn mới” đã giúp thế giới ngăn được khoảng 13 triệu ca sốt rét và gần 25.000 ca tử vong trong 3 năm qua. Dự án do Sáng kiến Tài trợ Y tế Quốc tế (Unitaid) của WHO và Global Fund tài trợ. Theo đó, một loại màn mới được tẩm thuốc diệt côn trùng pyrrole thế hệ mới kết hợp với thuốc diệt côn trùng pyrethroid tiêu chuẩn được cung cấp cho người dân khu vực phía Nam Sahara ở châu Phi.

Theo đó, Dự án Màn mới đã cung cấp 56 triệu màn diệt muỗi tại 17 nước lưu hành bệnh sốt rét trong giai đoạn 2019-2022. Kết quả cho thấy loại màn mới mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc kiểm soát bệnh sốt rét. Việc đánh giá 2 thử nghiệm lâm sàng và 5 nghiên cứu thí điểm cho thấy so với màn tiêu chuẩn, màn mới giúp tăng khả năng kiểm soát bệnh sốt rét thêm từ 20-50% tại các nước ghi nhận tình trạng kháng thuốc ở khu vực phía Nam Sahara châu Phi.

 Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa sốt rét cho trẻ em tại Cape Coast, Ghana (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc điều hành Global Fund, Peter Sands nhấn mạnh thành công của Dự án Màn mới là minh chứng cho thấy thông qua việc thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác y tế toàn cầu, tăng cường đổi mới sáng tạo và sử dụng cách tiếp cận thị trường, thế giới có thể chống lại tình trạng kháng thuốc diệt côn trùng, tăng hiệu quả chi phí cho các biện pháp can thiệp và đẩy nhanh tiến bộ chống lại bệnh sốt rét.

Cuộc chiến toàn cầu chống bệnh sốt rét cũng đã ghi nhận một bước tiến lớn vào ngày 22/1/2024 với việc Cameroon triển khai chương trình tiêm vaccine định kỳ đầu tiên trên thế giới để phòng ngừa căn bệnh do muỗi truyền này.

Theo đại diện của Chương trình Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), sau các chương trình thử nghiệm thành công, bao gồm cả ở Ghana và Kenya, Cameroon là quốc gia đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng định kỳ. Quốc gia Trung Phi này đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 250 nghìn trẻ em trong năm nay và năm tới.

Cụ thể, Cameroon sẽ sử dụng loại vaccine đầu tiên trong số 2 loại vaccine sốt rét đã được phê duyệt gần đây, có tên là Mosquirix (RTS,S) do nhà sản xuất dược phẩm GSK của Anh phát triển.  Đây là một trong 2 loại vaccine sốt rét được WHO khuyến nghị. WHO khuyến cáo sử dụng vaccine này để phòng ngừa sốt rét do Plasmodium falciparum (loại ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất toàn cầu và rất phổ biến ở châu Phi), tiêm 4 liều theo lịch cho trẻ từ 5 tháng tuổi.

Theo GAVI, 19 quốc gia khác cũng đặt mục tiêu thực hiện chương trình tương tự như Cameroon trong năm nay. Chương trình tiêm phòng sốt rét giai đoạn 2024-2025 sẽ nhắm đến khoảng 6,6 triệu trẻ em tại các nước này.

Theo WHO, trong những năm gần đây, đại dịch COVID-19, tình trạng kháng thuốc gia tăng và nhiều vấn đề khác đã cản trở các nỗ lực chống bệnh sốt rét, khiến số ca mắc bệnh sốt rét năm 2022 tăng khoảng 5 triệu ca so với năm trước đó. Tại châu Phi, sốt rét là căn bệnh cướp đi sinh mạng của gần 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm.

Nhân Ngày Sốt rét Thế giới 25/4/2024, WHO kêu cộng đồng quốc tế “Đẩy nhanh cuộc chiến chống sốt rét vì một thế giới công bằng hơn” thông qua những việc làm cụ thể như: Chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và kỳ thị; Nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến gần người dân hơn thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu; Loại bỏ các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt rét; Đưa ra các biện pháp can thiệp và phòng, chống sốt rét hữu hiệu, đồng thời bao phủ dịch vụ y tế tới toàn dân./.

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực