Tọa đàm kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga

Thứ năm, 23/11/2017 22:41
(ĐCSVN) – Chiều 23/11, tại Hà Nội, Hội đồng Hòa bình thế giới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga tổ chức Tọa đàm “Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga”.
 

Đại diện lãnh đạo Hội đồng Hòa bình Thế giới, Ủy ban Hòa bình Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga chủ trì Tọa đàm (Ảnh: KL)

Tham dự Tọa đàm có: Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Socorro Gomes; Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Phạm Văn Chương; Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga Nguyễn Hồng Vinh; Đoàn đại biểu các nước dự Hội nghị Ban Chấp hành Hội đồng Hòa bình thế giới; đại diện một số tổ chức trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Phạm Văn Chương nhấn mạnh, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra vào thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đang ở vào những năm cuối ác liệt. Là thuộc địa của Pháp, Việt Nam cũng bị cuốn vào cuộc chiến. Trong khi người dân, nhất là nông dân, phải sống trong thiếu thốn, đói rách, thì tài nguyên bị người Pháp vơ vét để phục vụ chiến tranh. 98.000 người Việt Nam đã bị đưa sang chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu trong quân đội Pháp. 12.000 người trong số đó đã ngã xuống trên các chiến trường châu Âu và Trung Đông. Chính trong bối cảnh đó, Cách mạng Tháng Mười Nga với khẩu hiệu “Hòa bình, Ruộng đất và Bánh mì”, tiếp theo là Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đã tác động mạnh mẽ đến trái tim và khối óc những người cách mạng tiền bối Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Phạm Văn Chương cho biết, kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Ủy ban Hòa bình Việt Nam mong muốn nêu cao ý nghĩa to lớn của sự kiện lịch sử vĩ đại này đối với sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của nhân dân các nước, trong đó có nhân dân Việt Nam.

Nhấn mạnh Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện lịch sử chưa có tiền lệ, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới  Socorro Gomes đánh giá, việc cả thế giới kỷ niệm một thế kỷ Cách mạng Tháng Mười Nga vinh quang đã khơi dậy tinh thần chiến đấu, sự bền bỉ và lòng quả cảm của những anh hùng nhân loại, những người đã làm nên cuộc giải phóng phi thường nhất trong lịch sử thế kỷ XX, giải phóng các dân tộc bị đô hộ bởi chủ nghĩa đế quốc. “Nhân dịp này, chúng ta có cơ hội thắt chặt niềm tin và tinh thần đoàn kết giữa các lực lượng dân chủ và tiến bộ trên thế giới, nhằm chiến đấu vì tự do, giải phóng xã hội, con người và vì hòa bình”, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, bà Socorro Gomes nhấn mạnh.

Trong bài tham luận trình bày tại Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, tròn một thế kỷ đã trôi qua, thế giới có biết bao đổi thay, xuất hiện nhiều đánh giá khác nhau về sự nghiệp của những người cộng sản. Tuy nhiên, chính thực tiễn lịch sử thế giới trong 100 năm qua, với những sự thật không thể thêm bớt, đã khẳng định vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga - cột mốc mở đầu thời đại ngày nay. Bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã chấm dứt thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế - chính trị thế giới, mở ra kỷ nguyên mới của phát triển và tiến bộ xã hội.

Cũng từ chiếc nôi nước Nga và Liên Xô, cách mạng vô sản và chế độ xã hội chủ nghĩa đã được tiến hành thắng lợi ở nhiều không gian địa - chính trị trọng yếu. Chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống thế giới, đối trọng hữu hiệu trên nhiều lĩnh vực với hệ thống tư bản chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra và tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại mới, thời đại của chủ nghĩa đế quốc bị tấn công và hệ thống thuộc địa sụp đổ.

Chỉ rõ sự ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga với phong trào cách mạng trên thế giới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo cho biết, theo con đường được ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười Nga thắp sáng, các dân tộc trên thế giới đã vùng lên giải phóng khỏi các chế độ quân chủ, phát xít, thực dân, đế quốc; xác lập nền cộng hòa với chủ quyền đối nội, đối ngoại không thể bác bỏ; xây dựng chế độ xã hội mới do người lao động làm chủ. Chỉ tính từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, liên tiếp xuất hiện những cột mốc và làn sóng giải phóng dân tộc: 1945, 1954 và 1975 của Việt Nam, 1949 của Trung Quốc, 1959 của Cuba, thập niên 60 của châu Phi, thập niên 70 của Mỹ La tinh, thập niên 80 của các thuộc địa cuối cùng được giải phóng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo trình bày tham luận tại Tọa đàm (Ảnh: KL)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Nguyễn Viết Thảo, dưới sức công phá của dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới do Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra, hệ thống thuộc địa do chủ nghĩa thực dân đế quốc thiết lập trong suốt 5 thế kỷ (từ 1492) đã hoàn toàn sụp đổ trong vòng chưa đầy 50 năm. Lịch sử thế giới hiện đại đã hết sức khách quan ghi tạc công lao, ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga như ngọn lửa soi đường cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc, đem lại vị thế chân chính cho tất cả các quốc gia dân tộc trong cộng đồng quốc tế đương đại.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, động lực và cảm hứng từ Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục tạo nên xu hướng phê phán, phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và khuynh hướng xây dựng một xã hội khác thay thế, bắt đầu từ Cách mạng tháng Mười Nga cách đây 100 năm đang tiếp tục diễn ra một cách không thể phủ nhận. Ngày nay, các quốc gia vẫn kiên định đi theo con đường và phát huy bài học sáng tạo của Cách mạng Tháng Mười Nga. Chủ nghĩa xã hội đã chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình thông qua quá trình cải cách, đổi mới, phát triển, đạt được nhiều bước tiến lớn.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung về: Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và con đường phát triển của thế giới đương đại; Cách mạng Tháng Mười Nga và cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình; Cách mạng Tháng Mười Nga và quan hệ Việt – Xô, Việt – Nga…/.

 

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực