Cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt

Thứ tư, 17/10/2018 15:24
(ĐCSVN) - Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra tại Kế hoạch 1711/KH-UBND, do UBND tỉnh Quảng Bình ban hành ngày 12/10/2018, về việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018 - 2020.

Kế hoạch nhằm tăng cường củng cố, đầu tư và phát triển cơ sở phục hồi chức năng (PHCN), phát hiện, can thiệp sớm, phòng ngừa khuyết tật, cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật để người khuyết tật được hòa nhập, tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, góp phần giảm gánh nặng cho xã hội.

Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu toàn tỉnh tập trung củng cố, hoàn thiện mạng lưới PHCN trên địa bàn, thành lập cơ sở Điều dưỡng và PHCN để nâng cao chất lượng dịch vụ PHCN, trong đó phấn đấu duy trì, phát triển Khoa Vật lý trị liệu - PHCN tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và Khoa PHCN tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Bình; đến năm 2020 có 100% bệnh viện đa khoa tuyến huyện phân công cán bộ chuyên trách công tác PHCN và thành lập khoa PHCN ở bệnh viện; 100% trạm y tế xã phân công cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN.

Chăm sóc phục hồi chức năng cho người bệnh tại Bệnh viện
Y học cổ truyền tỉnh Quảng Bình. (Ảnh:baoquangbinh.vn)

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng triển khai công tác PHCN dựa vào cộng đồng theo mô hình đã được Bộ Y tế quy định, chú trọng nội dung phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật nhằm hạn chế tỷ lệ người khuyết tật mới, cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng (CBR) có hiệu quả được ít nhất 30% số huyện, thành phố, thị xã; có 80% số trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 80% trẻ em khuyết tật được cải thiện chức năng, tăng cường năng lực để có thể tham gia vào học tập, học nghề và tạo việc làm; 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ PHCN phù hợp, tạo việc làm có thu nhập và hòa nhập cộng đồng.

Nghị quyết 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới nêu nhiệm vụ: “Quan tâm chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên”. 

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Người khuyết tật, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe giúp nhân dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác PHCN trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; duy trì và đẩy mạnh triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng, phát hiện sớm, can thiệp sớm và PHCN cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ khuyết tật để biết cách chủ động phòng ngừa khuyết tật, tạo điều kiện cho những người khuyết tật được tiếp cận và hưởng đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe, PHCN cũng như dịch vụ văn hóa, xã hội khác.

Các ngành, địa phương thành lập Khoa Vật lí trị liệu - PHCN trong bệnh viện đa khoa; chú trọng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ chuyên khoa PHCN; tăng cường đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho chuyên khoa PHCN, từng bước hiện đại hóa, áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật y học cao trong chuyên ngành PHCN theo hướng PHCN riêng biệt cho từng loại bệnh và PHCN cho người bệnh ngay từ giai đoạn cấp cứu./.

H. Nhân (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực