Bà Rịa – Vũng Tàu: Khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo

Thứ năm, 23/11/2017 11:27
(ĐCSVN) – Theo Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh này sẽ có 11 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, trong đó 8 dự án trường mầm non, 2 dự án đào tạo nghề, và 1 dự án đào tạo, giáo dục học tập cộng đồng.
Học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP. Vũng Tàu trong giờ học (Nguồn: Báo BR-VT)

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Tuấn, Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa có Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND về việc ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề,… trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh có một số chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa đủ điều kiện theo quy định trong các lĩnh vực nêu trên như cho thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa; ngân sách tỉnh bố trí vốn hỗ trợ việc bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất “sạch” cho nhà đầu tư thuê để thực hiện dự án xã hội hóa đối với dự án đầu tư; và các chính sách ưu đãi về tín dụng…

Cụ thể, các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục – đào tạo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được ngân sách tỉnh bố trí vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư thuê để thực hiện dự án xã hội hóa đối với dự án đầu tư trên địa bàn các huyện; xã Long Sơn của thành phố Vũng Tàu; các xã và phường Kim Dinh của thành phố Bà Rịa; các dự án xã hội hóa thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích xã hội hóa.

Việc bồi thường sẽ được sử dụng ngân sách tỉnh 50%, nhà đầu tư đóng góp 50% để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư để thực hiện dự án xã hội hóa đối với dự án đầu tư tại các phường của thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa (trừ phường Kim Dinh) và các dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa. Kinh phí do nhà đầu tư đóng góp để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được tính vào vốn đầu tư của dự án. Nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được cân đối từ nguồn vốn đầu tư phát triển.

Trường hợp cơ sở thực hiện xã hội hóa được Nhà nước cho thuê đất tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thì việc xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được xử lý như sau: Cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn các huyện, xã Long Sơn của thành phố Vũng Tàu; các xã và phường Kinh Dinh của thành phố Bà Rịa; các dự án xã hội hóa thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích xã hội hóa thì được Nhà nước hoàn trả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ sở thực hiện dự án xã hội hóa trên địa bàn các phường của thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa (trừ phường Kim Dinh) và các dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa thì cơ sở thực hiện xã hội hóa được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê. Việc miễn tiền thuê đất thực hiện theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Ngoài ra, trong chính sách ưu đãi về tín dụng, các dự án xã hội hóa đủ điều kiện theo quy định sẽ được Quỹ Đầu tư phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét cho vay để đầu tư nếu dự án đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của Quỹ. Mức hỗ trợ tối đa bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế, nhưng tối đa 3%/năm/số dư nợ thực tế. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 5 năm, tính từ ngày bắt đầu vay vốn theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án án. Trường hợp trong cùng một dự án mà cơ sở xã hội hóa vay vốn của Quỹ Đầu tư phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu và các Ngân hàng thương mại thì Quỹ và các Ngân hàng thương mại được cho vay hợp vốn. Khi đó, cơ sở thực hiện xã hội hóa được hỗ trợ theo hình thức ưu đãi của đơn vị làm đầu mối cho vay hợp vốn.

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh có gần 300 cơ sở giáo dục tư thục được cấp phép quản lý, trong đó có tới 225 cơ sở là các nhóm trẻ mầm non tư thục. Ngoài ra, toàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 59 cơ sở giáo dục ngoài công lập, tuy nhiên mới chỉ có 3 trường được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này xác nhận đủ các điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi về thuế./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực