Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra (nCoV) lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc và giọt bắn. Lây qua đường tiếp xúc nghĩa là virus này có thể lây qua tay hoặc các bộ phận cơ thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chất tiết người bệnh. Lây qua đường giọt bắn nghĩa là virus được bắn ra ngoài người bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi và đi vào người đang đứng gần, thường trong khoảng dưới 1 mét. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn ngừa lây truyền qua 2 đường này, bao gồm các biện pháp thông khí, làm sạch môi trường và phòng hộ cá nhân.
Xung quanh vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã chia sẻ thông tin với báo chí để làm rõ một số vấn đề liên quan đến cách phòng chống nCoV.
|
GS.TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam. Ảnh: TL |
PV: Xin ông cho biết việc sử dụng khẩu trang y tế sẽ phòng tránh lây nhiễm được virus nCoV tối đa đúng hay không? Trong trường hợp không có điều kiện hoặc không có sẵn khẩu trang y tế, người dân có thể dùng khẩu trang vải thông thường được không?
Ông Nguyễn Văn Kính: Với bệnh dịch tương tự như nCoV, trước đó chúng ta đã phòng SARS, cúm thành công. Phát hiện sớm các ca bệnh, phòng vệ cá nhân vệ sinh đường hô hấp tốt, áp dụng trang thiết bị phòng vệ cá nhân. Chúng ta phải giữ ấm cổ họng, giữ ấm thân thể. Con virus này càng lạnh, niêm mạc tổn thương nó càng dễ chui vào. Có thể sát trùng bằng các loại nước sát trùng đường hô hấp, khí dung, dùng cao bạc hà thông thoáng đường hô hấp, đường hô hấp không bị tổn thương.
Về việc khẩu trang, theo tôi dùng khẩu trang chắn cơ học, bất luận cái gì chắn cơ học cũng được. Ngoài cộng đồng, bất kể khẩu trang nào cũng có tác dụng ngăn chặn cơ học, ngăn giọt bắn do bệnh lây qua tiếp xúc gần với giọt bắn. Vì vậy khẩu trang thường hay khẩu trang y tế cũng được. Khẩu trang vải có thể giặt xà phòng. Trong bối cảnh không có khẩu trang, khi hắt hơi, dùng tay ngăn, rồi đi rửa tay, khăn mùi xoa cũng có tác dụng. Rồi có thể dùng giấy ăn khi hắt hơi, để ngăn chặn nguy cơ cơ học.
Trong bệnh viện, cũng có nhiều biện pháp phòng vệ. Hồi dịch SARS, ở Bệnh viện Nhiệt đới, chúng tôi mở tung cửa, ánh sáng ùa vào, nhiệt độ cao lại giảm hẳn lượng virus SARS trước đây. Ở bệnh viện cũng khuyến cáo, chỗ cách ly phải có lọc không khí. Dùng máy chiếu tia cực tím. Dùng tia cực tím khử khuẩn. Chúng ta đã có kinh nghiệm điều trị SARS từ cách đây 13 năm rồi.
Quan trọng nhất, ngoài khẩu trang, còn phải rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Ở cơ sở y tế thì bằng nước sát khuẩn và cồn.
Không nên tụ tập đông người. Không nên dùng bàn tay vuốt ve lên mặt nhiều. Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Trong bệnh viện có chất sát trùng. Điều trị cho bệnh nhân, có thuốc sát khuẩn bệnh viện.
Chúng ta không nên quá tập trung vào việc đeo khẩu trang mà cần chú trọng vào việc rửa tay với xà phòng. Rửa tay bằng xà phòng là giải pháp chuẩn nhất để giảm bớt nguy cơ mà mình đưa lên mũi miệng từ người bệnh sang mình. Rửa tay với xà phòng và rửa tay đúng cách là hai cách song hành với nhau. Đeo khẩu trang mà mình sờ vào mặt ngoài rồi thò tay vào ngoáy mũi thì đâu có gì khác nhau. Do vậy hàng đầu là đôi bàn tay sạch và khẩu trang có thể giảm bớt nguy cơ lây nhiễm chứ không phòng bệnh được hoàn toàn trong tiếp xúc quá gần và giọt bắn quá gần thì vẫn có thể nhiễm.
Khi nói đến phòng hộ cá nhân, chúng ta đang chỉ tập trung vào việc lạm dụng khẩu trang mà quên đi các biện pháp phòng ngừa khác. Gần như mọi người bây giờ đều giữ sẵn khẩu trang trong mình nhưng lại rất ít người bỏ túi chai nước rửa tay, trong khi rửa tay là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng các bệnh đường hô hấp. Các vụ dịch cúm trước đây đã chứng minh rửa tay có hiệu quả hơn khẩu trang trong phòng ngừa cúm.
|
Quy trình 6 bước rửa tay bằng xà phòng của Bộ Y tế. (Ảnh: TL) |
PV: Việc kiểm soát những người đến và đi từ vùng có ca nhiễm virus nCoV được xử lý như thế nào, đặc biệt là từ Trung Quốc – nơi mà Việt Nam có đường biên giới chung rất dài và có lượng lớn hoạt động giao thương?
Ông Nguyễn Văn Kính: Về mặt cơ bản, ngành Y tế đã hướng dẫn rất rõ.
Có 3 nhóm cách ly:
- Nhóm 1: cho người có yếu tố dịch tễ, từ vùng dịch trở về không có triệu chứng lâm sàng. Ngay tại Quảng Ninh, Móng Cái có khu cách ly tạm thời cho 1000 người. Ở Vân Đồn cũng có khu cách ly, bệnh viện dã chiến, nhóm đến từ vùng dịch tễ chưa có dấu hiệu lâm sàng. Nếu chưa xét nghiệm thì phải cách ly 14 ngày. Nếu có thể xét nghiệm sàng lọc, cho kết quả nhanh nhất trong vòng 30 phút, hoặc 1-2 ngày.
- Nhóm 2: có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc gần với người có bệnh, có triệu chứng lâm sàng bắt buộc phải cách ly điều trị, rồi sàng lọc, ca nào cúm, ca nào nCoV. Nếu cúm chuyển ra khỏi vùng cách ly đó.
- Nhóm 3: cách ly nghiêm ngặt do tổn thương phổi, phổi trắng ốp. Môi trường phải được khử khuẩn chặt chẽ.
PV: Trước nguy cơ dịch bệnh ngày càng lan rộng, nhiều người dân lo lắng mắc bệnh, đua nhau đến bệnh viện xét nghiệm. Những đối tượng nào nên đến cơ sở y tế để phát hiện bệnh? Hiện đã có vắc xin phòng chống virus nCoV hay chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Kính: Đến bây giờ chưa có vắc xin hay thuốc đặc hiệu. Vẫn là giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ, chẩn đoán điều trị sớm. Trong thời điểm mà ai cũng đua nhau đến bệnh viện đòi xét nghiệm thì không thể nào xét nghiệm hết được. Chúng ta phải xét các yếu tố nguy cơ như yếu tố dịch tễ, tiếp xúc gần với người có triệu chứng lâm sàng đã khẳng định là ca dương tính với nCoV, chứ không phải ở cả chung cư, tầng 8 có người nghi ngờ mà cả khu đi xét nghiệm. Bởi nCoV lây nhiễm do tiếp xúc gần, 1 người mắc chỉ có lây tối đa 1-5 người thôi. Ví dụ như thành viên tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân. Nếu không có triệu chứng chỉ cách ly thôi. Chứ nếu mọi người ồ ạt đi xét nghiệm không để làm gì. Phải áp dụng các biện pháp dự phòng cho cá nhân và gia đình: đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tụ tập đông người,… Người đi cùng máy bay, ô tô, tàu hỏa, ngồi chung bán kính với bệnh nhân nCoV từ 1 - 2m.
PV: Xin ông cho biết việc đối phó với dịch bệnh như thế nào trong trường hợp dịch bùng phát với số người bệnh nhiễm virus có thể lên tới hàng nghìn người? Chúng ta có chuẩn bị như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Kính: Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch. Chúng ta vẫn áp dụng 3 biện pháp cơ bản: tổ chức cách ly cho người có yếu tố nguy cơ nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng như ở Móng Cái, Vân Đồn (Quảng Ninh), Lạng Sơn, đã đối phó cho bối cảnh xấu nhất. Huy động toàn ngành y tế. Tất cả 4 tại chỗ, con người, cơ sở, máy móc, điều trị tại chỗ. Chỉ nặng hơn mới chuyển lên tuyến trên. Tổ chức cách ly ở khoa truyền nhiễm tại vùng, cách ly tại chỗ. Chúng ta hình thành bệnh viện vệ tinh, từ tuyến cuối xuống tại chỗ đó để làm việc. Ví dụ ở Trung Quốc, 6-7 ngày đã xây dựng xong bệnh viện dã chiến tại chỗ để ứng phó. Không đi ra ngoài đường, không đi phương tiện công cộng.
Có những khu dân cư cách ly tại khu dân cư chẳng hạn như nhà văn hóa cách ly cho người có tiếp xúc. Các bác sĩ ăn ở tại chỗ, chứ không được về nhà. Khi dịch tan rồi, chúng ta sẽ trở lại bình thường.
PV: Người đã tiêm phòng cúm rồi thì nguy cơ nhiễm virus nCoV có giảm không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Kính: Đây là một virus mới, nó khá độc lập với virus cúm. Hiện tại chúng ta đang chống đỡ được 3 loại cúm thôi: cúm A (H1N1, H3N2, cúm B) còn đây là virus mới chưa có vắc xin phòng bệnh đặc trị và chúng ta chưa có giải pháp. Giải pháp tiêm cúm thì chỉ phòng cho bệnh cúm./.
PV: Xin cảm ơn ông!