Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng

Thứ bảy, 07/12/2019 10:53
(ĐCSVN) - Nhằm cụ thể hóa Nghị định 32/2019/NĐ-CP trong lĩnh vực xuất bản, ngày 6/12, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo “Đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước”.
leftcenterrightdel
 Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hải báo cáo chuyên đề tại Hội thảo. (Ảnh: CM)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Ngọc Hải báo cáo hai chuyên đề về: Một số vấn đề triển khai thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP trong lĩnh vực xuất bản và Công tác quản lý định mức Kinh tế - Kỹ thuật, quản lý giá sản phẩm, dịch vụ sử dụng ngân sách Nhà nước trong hoạt động xuất bản.

Dành nguồn lực ưu tiên đặt hàng cho các nhà xuất bản

Trong các tham luận gửi đến Hội thảo, các đại diện nhà xuất bản đều cho rằng, Nhà nước vẫn luôn coi trọng và dành nguồn lực ưu tiên đặt hàng cho các nhà xuất bản, kinh phí đều tăng lên hàng năm. Đây là một chủ trương đúng đắn cần được tiếp tục củng cố và phát huy. Chính vì vậy, ấn phẩm Nhà nước đặt hàng ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước, số lượng đầu sách và số lượng bán sách cũng tăng, nội dung có sự đầu tư cải tiến mạnh mẽ, chất lượng được nâng lên. Sách Nhà nước đặt hàng đã phát huy tác dụng hiệu quả trong công tác tuyên truyền theo định hướng của Đảng, Nhà nước về các nội dung cần tính bao quát, tổng thể hay chuyên sâu.

Theo đại diện nhà xuất bản, xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng phải có định hướng. Việc định hướng về nội dung đề tài do cơ quan chủ quản nhà xuất bản đề xuất sẽ xác thực hơn với thực tiễn địa phương, cụ thể hơn những nội dung cần thiết trong công tác tuyên truyền theo định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Lựa chọn đề tài hay, hấp dẫn, có bản thảo tốt, điều đó đảm bảo phần lớn sự thành công của sách Nhà nước đặt hàng.

Ngoài ra, trên nền tảng của thực tại và xu hướng phát triển của tương lai, chính sách đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước cần nghiên cứu đến việc phát hành ấn phẩm điện tử, nghiên cứu và phổ biến những ấn phẩm này đến mọi người dân một cách dễ dàng thuận tiện nhất.

Các ý kiến tham luận cho rằng, bên cạnh việc giải quyết nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước, việc Nhà nước đặt hàng xuất bản phẩm cho các nhà xuất bản còn tạo ra công ăn việc làm cũng như thể hiện được nhiệm vụ, chức năng của nhà xuất bản.

 Đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: CM)

Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng, theo Thông tư 07/2018/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước, việc giao việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương cho UBND cấp tỉnh là bất khả thi, bởi nếu xét trên góc độ của TP. Hồ Chí Minh, khối lượng công việc của UBND TP. Hồ Chí Minh phải điều hành, quản lý và xử lý quá nhiều. Nếu không có cơ chế ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản nhà xuất bản, thì UBND TP không thể đảm nhận việc đặt hàng và duyệt chi tiết các tựa, số bản in xuất bản phẩm hằng năm.

Giải đáp vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ, quy định đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước theo Thông tư 07/2018/BTTTT hiện không còn phù hợp và sắp hết hiệu lực vào cuối năm 2019. Hiện nay, cơ quan này đang chủ trì soạn thảo, gấp rút triển khai lấy ý kiến sửa đổi thông tư nói trên để trình cấp có thẩm quyền sớm ban hành trong năm sau. Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước dành cho báo chí xuất bản còn hạn hẹp thì việc nhà xuất bản và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương chủ động vận dụng nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị là cần thiết và hợp lý.

Đồng tình ý kiến trên, ông Lê Thanh Hà - Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, không nên quá ưu trên ái cho nhà xuất bản, vì sẽ dẫn tới cơ chế xin - cho, hệ lụy là tạo ra một số đầu sách kém chất lượng dựa vào sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, gây lãng phí nguồn tiền dành cho việc phát triển ngành xuất bản.

Đưa ra quan điểm riêng, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Phan Thị Thu Hà cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trước sự xuất hiện và áp lực của các phương thức nghe, nhìn, vấn đề đọc sách trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên có chiều đi xuống. Do vậy, xuất bản phẩm đặt hàng cũng cần chú trọng đến sách dành cho thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị. Nếu như làm tốt được sách Nhà nước đặt hàng dành cho thiếu nhi, mức độ lan tỏa sẽ cao, và góp phần rất lớn trong việc xây dựng thói quen đọc sách ở thiếu nhi.

Nhìn chung, lĩnh vực xuất bản sách do Nhà nước đặt hàng đã có bước phát triển tích cực trong những năm qua, từ đó đóng góp lớn trong công tác tuyên truyền theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các quy định hiện hành của lĩnh vực này đang có một số vướng mắc cần được tháo gỡ để sách Nhà nước đặt hàng có sức hấp dẫn và phát huy hiệu quả./.

 

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực