Tự ý mua và sử dụng thuốc Tamiflu là nguy hại

Thứ hai, 30/12/2019 19:09
(ĐCSVN) - Số lượng bệnh nhân mắc cúm tại các tỉnh phía Bắc đang gia tăng. Nhiều người dân tự ý mua thuốc Tamiflu ngoài thị trường về sử dụng khi mắc cúm. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc tự ý mua và sử dụng thuốc Tamiflu là nguy hại.

Số mắc cúm năm 2019 ở mức thấp và chưa ghi nhận sự bất thường về vi rút cúm

 Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)  cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

 Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác. Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin cúm để phòng bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, hàng năm trung bình cả nước có trên 800.000 người mắc cúm, số mắc thường gia tăng vào các thời điểm giao mùa. Theo số liệu giám sát năm 2019, tính đến đầu tháng 12 có trên 400.000 người mắc cúm, thấp hơn rất nhiều so với số mắc trung bình hàng năm và thấp hơn 15% so với cùng kỳ 2018. Hiện chưa ghi nhận sự bất thường về số lượng mắc cũng như chủng vi rút cúm.

Theo kết quả giám sát trọng điểm bệnh cúm tại khu vực miền Bắc, chủng gây bệnh chủ yếu là chủng cúm A(H1N1) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận thấy chủng vi rút cúm mới cũng như chưa thấy có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Tamiflu không phải thuốc đặc trị chữa cúm A. Ảnh: TL

 Tamiflu không phải là “thần dược” trị cúm

Tamiflu là tên biệt dược của Oseltamivir phosphate. Đây là loại thuốc kháng virus được chỉ định điều trị cúm A không biến chứng cho trẻ em trên 1 tuổi và người lớn. Khi đi vào cơ thể, Oseltamivir phosphate chuyển hóa thành Oseltavimir carboxylat, có thể tiêu diệt virus gây bệnh cúm A, trong đó có virus A/H5N1 và A/H1N1. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng khi được sử dụng trong 48 giờ kể từ khi có triệu chứng của cúm như: Sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi... Khi ấy, Tamiflu có thể giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị khoảng 1-3 ngày. Nếu được sử dụng sớm trong vòng 24 giờ kể từ khi có triệu chứng, Tamiflu có thể giảm thời gian điều trị bệnh 2-3 ngày. Do đó, người bệnh cần được sử dụng thuốc sớm.

Các chuyên gia y tế khẳng định: Tamiflu là thuốc hỗ trợ, không phải thuốc điều trị đặc hiệu số một để điều trị cúm. Tamiflu chỉ có tác dụng tối đa nếu được sử dụng trong vòng 24h. Nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng sốt thì kết quả điều trị không khác gì với bệnh nhân không dùng thuốc.

Ngoài ra, Tamiflu chỉ dùng cho điều trị cúm A không biến chứng, nếu phát hiện cúm A có biến chứng cần được điều trị kết hợp các loại thuốc kháng sinh khác.

Tamiflu không phải là “thần dược” trị cúm và không phải ai bị cúm cũng cần dùng Tamiflu. Đáng lo ngại, việc lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe, như hiện tượng kháng thuốc này ngày càng tăng. Theo đó, người dân không nên tự ý mua thuốc Tamiflu điều trị cúm nếu không có chỉ định của bác sĩ. Bởi lẽ, Bất cứ loại thuốc nào cũng có nguy cơ tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn. Trường hợp sử dụng thuốc không đúng sẽ không mang lại hiệu quả, trong khi nguy cơ tác dụng phụ vẫn có và gây tốn kém về kinh tế.

Theo các chuyên gia y tế, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Ngoài thuốc Tamiflu bác sĩ sẽ dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị. Những trường hợp mắc cúm nhưng chỉ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ, chụp Xquang phổi không có tổn thương thì chỉ cần điều trị ngoại trú, nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi.

Hiện nay đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt 6 biện pháp:

 1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

 2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

 3. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

 4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

 5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

  6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực