Bắc Ninh công bố bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm nông nghiệp

Thứ tư, 16/09/2020 10:16
(ĐCSVN) – Việc xây dựng sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nhằm bảo vệ uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo sản phẩm.
Cấp chứng nhận bánh tẻ, bánh đa nem, nếp cái hoa vàng Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Thái Sơn 

Ngày 15/9, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với UBND huyện Yên Phong tổ chức Lễ công bố văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp và làng nghề huyện Yên Phong.

Tại buổi Lễ, Ban tổ chức đã trao nhãn hiệu chứng nhận “Bánh tẻ làng Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh” cho đơn vị đứng tên sở hữu là Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Phong; trao nhãn hiệu chứng nhận “Nếp cái hoa vàng Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh” và “Bánh đa nem Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh” cho đơn vị đứng tên sở hữu là UBND xã Yên Phụ, huyện Yên Phong.

Ba sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của huyện Yên Phong đã có từ lâu đời, trở thành thương hiệu riêng của người dân nơi đây. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn mang tính tự cung tự cấp, chưa có vị thế vững vàng trên thị trường. 

Việc xây dựng sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nhằm xây dựng và  bảo vệ uy tín, danh tiếng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo sản phẩm. Khi được cấp chứng nhận, các sản phẩm được bảo hộ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm trên. 

Đây là cơ sở để huyện Yên Phong thực hiện lộ trình xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao, bền vững.

Bánh tẻ làng Chờ có nguồn gốc xuất xứ từ thị trấn Chờ, huyện Yên Phong từ hàng trăm năm. Vỏ bánh được làm bằng bột gạo, nhân bánh được làm bằng thịt trộn lẫn mọc nhĩ và một số gia vị khác. Khi bánh chín, có màu trong pha chút xanh, bóng đẹp, vị giòn ngon, nhân dậy mùi thơm. 

Gạo Nếp cái hoa vàng Yên Phụ được người nông dân trồng tại xã Yên Phụ, có hình thức đẹp mắt, các hạt mẩy đều, dáng bầu tròn, ít gãy, có màu vàng trắng đục. Hạt gạo có hàm lượng protein và một số axit amin cao. Gạo sau khi nấu chín có mùi thơm nhẹ hấp dẫn, mềm dẻo, khi thưởng thức có vị thanh ngọt. 

 Bánh đa nem Yên Phụ được người dân tại xã Yên Phụ sản xuất gần 20 năm. Bánh được làm từ gạo tẻ ngon, không cho thêm chất phụ gia, có độ dẻo, dai và hương vị đặc trưng. Bánh được dùng làm vỏ cuốn nem rán hoặc nem cuốn ăn liền.

Gia An (th)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực