Cần một chính sách nông nghiệp vì nông dân

Thứ ba, 28/02/2017 09:57
(ĐCSVN) - Câu chuyện nông dân bỏ ruộng ở một số nơi được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thời gian gần đây đang làm dư luận lo lắng trước cảnh nông dân không đủ sống với ruộng đồng.

Ảnh minh họa (Ảnh: Đ.H)

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có lẽ điều dễ thấy nhất là vì thu nhập từ ruộng đất không đủ nuôi sống bản thân họ. Đã đến lúc phải xem xét một cách nghiêm túc làm cách nào để người nông dân được thể hiện rõ vai trò của mình trong hành trình đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa.  

Thực tế này cho thấy, không thể ứng xử với nông dân bằng suy nghĩ chủ quan của những người làm chính sách; Không thể bắt nông dân cứ trồng lúa trong khi thu nhập từ hạt lúa không nuôi sống nổi họ. Chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu là đúng nhưng cần được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, kết hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo nguyên tắc nông dân là chủ thể của đồng ruộng và người trồng lúa phải có lãi, được thụ hưởng tương xứng với những gì họ đã bỏ ra.

Để nông dân gắn bó với ruộng đồng, không thể đơn giản là hỗ trợ mấy trăm nghìn đồng/ha lúa, bởi số tiền ấy chỉ là muối bỏ bể khi giá nhân công, vật tư phân bón, giá xăng giá điện đều tăng cao so với mức tăng của giá nông sản như hiện nay. Cần nhìn nhận hiện tượng nông dân bỏ ruộng như là một sự dịch chuyển lao động cần thiết trong quá trình công nghiệp hóa đất nước để kịp thời điều chỉnh chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp, nhất là việc làm cho lao động khu vực bị di dời giải tỏa phục vụ các dự án phát triển công nghiệp.

Cần nhanh chóng khắc phục tình trạng đất đai manh mún hiện nay thông qua việc dồn điền đổi thửa, cho nông dân được chuyển nhượng ruộng đất, để ruộng đất thực sự là tư liệu sản xuất cần thiết của những nông dân có nhu cầu và có khả năng đầu tư thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Cùng với đó là các công cụ điều hành vĩ mô hiệu quả, ổn định chất lượng và giá cả vật tư đầu vào, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp chặt chẽ hơn, đảm bảo lợi nhuận của nông dân không bị rơi rớt quá nhiều bởi hệ thống trung gian vốn đã tồn tại lâu nay.

Đã có nhiều nông dân năng động sáng tạo, vươn lên làm giàu. Nhưng hầu hết nông dân không thể quyết định được việc tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của nông sản. Đó là trách nhiệm của các nhà khoa học và những người làm chính sách nông nghiệp quốc gia.

Một khi chính sách nông nghiệp vì nông dân được triển khai có hiệu quả sẽ giúp nông dân nâng cao tri thức, kỹ năng để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nông dân, giữ dân ở lại với đất.

Chúng ta đang nói nhiều đến phát triển chuỗi giá trị nông sản, quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và thương mại, maketing trong nông nghiệp. Nhưng đang có trở ngại về chính sách. Tuy nhiên, khả năng maketing về nông sản của ta còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngay cả năng lực của một số doanh nghiệp đang làm xuất khẩu, về maketing, tiếp cận thị trường yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ như xuất khẩu gạo, các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu hướng đến phục vụ các hợp đồng lương thực cấp chính phủ. Với các hợp đồng này, ưu tiên đầu tiên của họ là giá thấp. Cho nên, chúng ta khó bán được giá cao trong những thị trường như vậy.

Nói phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, tức là phải nghiên cứu phát triển sản phẩm bắt đầu từ đồng ruộng, rồi qua các khâu trung gian, doanh nghiệp chế biến, và đến người tiêu dùng. Chính sách hỗ trợ thì cũng cần tác động theo cả chuỗi. Hiện chúng ta có nhiều chính sách có thể hỗ trợ rất tốt cho sản xuất, nhưng khâu thương mại còn yếu nên cuối cùng sản phẩm bán ra vẫn kém. Ngược lại, có chỗ làm thương mại tốt nhưng khâu sản xuất không tốt nên không có sản phẩm tốt để đáp ứng nhu cầu. Tức là cách làm này vẫn chưa đồng bộ theo chuỗi để có sản phẩm tốt. Chúng ta đang bị cắt đoạn trong chính sách.

Nếu muốn có chuỗi giá trị, phải đầu tư cho maketing. Nếu không, không chỉ khó xuất khẩu, kể cả thị trường trong nước cũng khó tiếp cận. Hiện nay, các doanh nghiệp của ta cũng ít đi maketing, chủ yếu dựa vào các thị trường sẵn có, không mở ra được thị trường mới.

Tái cơ cấu, thực ra là tạo ra một cơ cấu kinh tế do thị trường quyết định. Trong nền kinh tế thị trường, nếu ta không tiếp cận được thị trường thì sẽ không có động cơ để thúc đẩy sản xuất.

Để hoạch định được tái cơ cấu nông nghiệp, phải có nghiên cứu rất kỹ thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, kể cả phải nghiên cứu kỹ về thị trường xa (như châu Âu, Mỹ) và thị trường gần (như Trung Quốc, ASEAN). Vì thực tế, ngay thị trường Trung Quốc chúng ta cũng không có thông tin nhiều để biết họ cần gì. Chỉ thấy họ cứ sang Việt Nam mua đủ thứ mà cũng không biết họ mua về làm gì. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng thông tin về thị trường, bán hàng chủ yếu theo những gì mình có.

Giải pháp quan trọng vẫn là chính sách phải đồng bộ. Việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta còn nhiều bất cập. Chủ trương của nhà nước đã có nhưng giải pháp thì chưa đồng bộ, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Sau hơn 10 năm thí điểm và đầu tư cho công nghệ cao chưa thu được kết quả nào đáng kể.

Các chính sách ưu đãi trong nông nghiệp cũng chưa rõ ràng. Đặc biệt là chính sách tín dụng đủ, kịp thời là chính sách cần được chú ý khi áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp bởi công nghệ cao đòi hỏi vốn rất lớn. Nếu chúng ta không giải quyết nhanh thì thời điểm 2017 hội nhập sâu rộng, khi đó các nước bạn có thể tự do đem hàng nông sản vào Việt Nam với những lợi thế cạnh tranh lớn, trong khi đó nông sản nước ta không còn bảo hộ, chất lượng không đồng đều, sản lượng chưa cao sẽ là những rủi ro lớn cho ngành nghiệp.

Giải pháp then chốt để thúc đẩy công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn là phải có những chính sách đồng bộ về giải quyết đất đai, giải phóng mặt bằng, công ăn việc làm sau khi ứng dụng công nghệ cao vào các dự án nông nghiệp. Điển hình như tại Trung Quốc, trong việc đầu tư và quản lý các dự án nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao theo các giai đoạn: nhà nước đầu tư, nhà nước quản lý; nhà nước đầu tư – doanh nghiệp quản lý; doanh nghiệp đầu tư – doanh nghiệp quản lý. Nước ta có thể bỏ qua giai đoạn đầu mà chuyển qua giai đoạn nhà nước đầu tư – doanh nghiệp quản lý để đưa ra các mô hình thích hợp, các sản phẩm chất lượng cao rồi nhân rộng và chuyển qua giai đoạn sau thì mới có thể tạo được lòng tin và thu hút đầu tư của các nhà đầu tư.

Đ.H
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực