Ảnh minh họa: A.N
Cơ hội mới cho doanh nghiệp
Khác với AEC, các nước thành viên TPP ít có điểm tương đồng và cạnh tranh với Việt Nam. 3 trong số các quốc gia TPP là Mỹ, Canada, Nhật Bản là những nước nhập khẩu nhiều hàng hoá của Việt Nam. Do vậy, TPP sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam. Trước hết, việc gỡ bỏ 18.000 dòng thuế về 0% ngay lập tức cùng với những cam kết gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hoá giữa các quốc gia. Gia tăng thương mại quốc tế là cơ hội để mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực. Dù với kịch bản nào, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hay “công xưởng gia công” hay là thị trường tiêu thụ, thì lượng hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước TPP sẽ đều gia tăng. Việc thực hiện quy tắc xuất xứ theo phương thức “cộng dồn” sẽ xuất hiện nhiều luồng di chuyển về nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm từ các nước TPP và Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để logistics Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường logistics rộng lớn hơn. Cùng với gia tăng thương mại là sự vận động mạnh mẽ của các luồng đầu tư sản xuất đến Việt Nam từ các nước TPP và các nhà đầu tư ngoại khối nhằm hưởng lợi từ TPP. Hoạt động này cũng thúc đẩy di chuyển các nguồn lực sản xuất, trong đó có máy móc, thiết bị và nguyên liệu, mở thêm cơ hội lớn cho vận tải và logistics.
Bên cạnh đó, với triển vọng phát triển logistics như trên, cùng mức đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành logistics khá cao, ở mức 20%/năm và được dự báo sẽ duy trì được trong 5 - 10 năm tiếp theo (VCCI-HCM, 2015), sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực logistics. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước có cơ hội kêu gọi thêm nguồn đầu tư từ nước ngoài hoặc triển khai hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Với xu hướng M&A hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng mua lại một doanh nghiệp trong nước, nắm giữ cổ phần chi phối rồi tái cấu trúc lại hoạt động của doanh nghiệp để tránh các thủ tục đầu tư hoặc rào cản về sở hữu nước ngoài. Đồng thời, sự tham gia của các doanh nghiệp logistics quốc tế sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như cải thiện chỉ số LPI quốc gia.
Trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI, những đối thủ hơn hẳn về năng lực tài chính, công nghệ, nhân lực, năng lực quản lý và mạng lưới toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải tự đổi mới, liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến về công nghệ và quy trình, chất lượng phục vụ. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động cho ngành logistics.
Thêm một cơ hội đó là sự sôi động của thi trường xuất nhập khẩu, có đà tăng trưởng 8 - 10%/năm, sẽ tạo ra nhiều nhu cầu về dịch vụ logistics ở tất cả các khâu đoạn. Cơ hội tham gia của doanh nghiệp Việt vào cấp độ 3PL, 4PL sẽ nhiều hơn, tạo ra khí thế và động lực cho doanh nghiệp nội địa đầu tư sâu, rộng hơn vào cung cấp các dịch vụ gia tăng trong logistics. Thương mại điện tử là một nội dung được đàm phán trong TPP để tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực này. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai logistics ở cấp độ 5PL với sự vận hành hài hoà 3 hệ thống: Hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), Hệ thống quản lý kho hàng (WMS) và Hệ thống quản lý vận tải (TMS).
Các thách thức đối với Logistics Việt Nam từ TPP
TPP mở ra nhiều cơ hội lớn cho phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ngành logistics nói riêng. Tuy nhiên, các cơ hội không tự đến mà phải do sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Để tận dụng được các cơ hội, thu nhận các lợi ích từ TPP thì logistics Việt Nam phải đối diện và tìm cách vượt qua rất nhiều thách thức. Thách thức về tự do cạnh tranh: Tự do thương mại trong TPP và các FTA mang đến cơ hội tiếp cận thị trường mới, nhưng đồng thời với đó là mở cửa thị trường nội địa. Do vậy, các doanh nghiệp nội chịu sức ép cạnh tranh từ những doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các hãng logistics toàn cầu, luôn hơn hẳn về năng lực tài chính, công nghệ, chất lượng dịch vụ. Năng lực tài chính yếu khiến cho các doanh nghiệp Việt không thể tạo cho mình một hạ tầng logistics tốt, không xây dựng được mạng lưới hoạt động ở nước ngoài. Các doanh nghiệp này chỉ có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản, ít giá trị gia tăng. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất FDI có tính “dân tộc” cao, thường lựa chọn sử dụng dịch vụ vận tải và logistics từ các công ty dịch vụ có vốn từ nước của họ. Do vậy, mức độ cạnh tranh để giành những hợp đồng lớn càng trở nên gay gắt hơn.
Cùng với đó là thách thức về chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa cung cấp được dịch vụ logistics hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của nó. Đa phần chỉ đảm nhận vai trò vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài, thực hiện các nghiệp vụ đơn lẻ khai báo hải quan, cho thuê phương tiện vận tải nội địa, kho bãi, mua bán cước phí… Những dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao như đóng gói, quản lý đơn hàng, thay mặt chủ hàng thực hiện các nghĩa vụ với bên thứ ba…, đặc biệt là dịch vụ logistics trọn gói “door to door” chưa được quan tâm. Hoạt động logistics chưa tạo thành một chuỗi liên tục trong chuỗi cung ứng. Thách thức về ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử: Trong hoạt động giao nhận vận tải, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch và quản trị là một yếu tố quan trọng, đánh giá độ tin cậy và năng lực của doanh nghiệp logistics. Các doanh nghiệp Việt Nam thường quản lý thủ công, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động ở Việt Nam như APLL, Maesk Logistics sử dụng những ứng dụng chuyên dụng để quản lý và cung cấp cho khách hàng khả năng nhìn thấy và kiểm soát đơn hàng (visibility) ở bất kỳ thời điểm nào. Mức độ ứng dụng thương mại điện tử (bao gồm cả trao đổi EDI và vận đơn điện tử, chứng từ điện tử…) của các doanh nghiệp Việt Nam yếu và thua kém so với các doanh nghiệp logistics nước ngoài, chưa có khả năng liên kết với các mạng lưới dịch vụ logistics khác. Do vậy, doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ có thể làm các dịch vụ đơn lẻ cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
Chúng ta còn phải đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực. Tại Việt Nam, hiện chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về logistics. Nguồn nhân lực của doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là tự đào tạo theo kinh nghiệm thực tế, mức độ chuyên nghiệp còn kém. Khi thị trường bùng nổ, các doanh nghiệp logistics sẽ phải đối diện thêm với xu hướng thiếu hụt nhân lực giỏi do sức hút của các doanh nghiệp ngoại hoặc tự tách ra thành lập công ty riêng. Thách thức về cơ chế chính sách quản lý và hạ tầng logistics: Việc quản lý các hoạt động logistics không nhất quán, còn chồng chéo. Mỗi bộ quản lý một khâu đoạn như thuế và hải quan do Bộ Tài chính quản lý, vận tải và hạ tầng do Bộ Giao thông Vận tải, xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương phụ trách…
Chính vì vậy, để tận dụng tốt những cơ hội và vượt qua những thách thức nêu trên từ TPP, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phát huy tính chủ động, đổi mới tư duy và tăng cường năng lực cạnh tranh. Theo đó, chúng ta cần hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics. Xây dựng khung pháp lý thống nhất quản lý lĩnh vực này, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Thành lập cơ quan quản lý và điều hành logistics quốc gia để thống nhất điều phối hoạt động logistics của Việt Nam. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, liên quan tới vận tải, giao nhận.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đánh giá và nhận thức đúng thực trạng của doanh nghiệp mình. Từ đó khắc phục các điểm yếu, phát huy điểm mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp logistics cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành, tạo ra những liên kết đủ lớn tham gia vào thị trường, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, đủ sức để thực hiện chuỗi dịch vụ logistics hoàn chỉnh. Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu suất hoạt động.
Doanh nghiệp logistics cũng cần xác định chính xác phân khúc thị trường của mình. Cần sẵn sàng và chủ động tham gia làm đại lý hoặc nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh, “gia công” dịch vụ cho các công ty logistics toàn cầu để thực hiện các công đoạn nội địa. Đây là con đường ngắn nhất để từng bước tham gia thị trường, học hỏi kinh nghiệm, cách làm việc, công nghệ của các công ty nước ngoài. Trong việc tiếp cận các doanh nghiệp FDI, cần tìm thị trường ngách, các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ để cung ứng dịch vụ với mức chi phí phù hợp với họ.