Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Đà Nẵng đến 2030

Thứ ba, 04/02/2020 16:43
(ĐCSVN) - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều cơ chế đặc thù đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lấy ý kiến hoàn thiện.
 Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: MPI)

Theo đó, ngày 4/2, Cuộc họp thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị quyết này đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và đại diện các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Giao thông Vận tải (GTVT), Tư pháp, Xây dựng, Ngoại giao, lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP Đà Nẵng.

Một trong những nội dung nổi bật của dự thảo Nghị quyết được các đại biểu dành thời gian thảo luận, góp ý tại cuộc họp là cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển cho TP Đà Nẵng.

Về vấn đề này, dự thảo Nghị quyết quy định, tổng mức dư nợ vay của TP Đà Nẵng không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Hiện tại, theo quy định, tổng mức dư nợ vay của Đà Nẵng tối đa là 40% số thu ngân sách Thành phố (cao hơn 10% so với các địa phương).

 Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: MPI)

Theo ý kiến của đại diện Thành phố tại cuộc họp, với việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay tối đa lên 60% sẽ bảo đảm cho thành phố Đà Nẵng có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài đã ký Hiệp định hoặc dự kiến kêu gọi vốn vay ODA và vay ưu đãi của các Nhà tài trợ trong thời gian tới để thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của thành phố, với tổng nhu cầu vốn dự kiến lên tới khoảng gần 6,3 tỷ USD.

Đề xuất của Đà Nẵng đặt ra những băn khoăn trong kiểm soát nợ công, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tăng mức vay này vẫn sẽ được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của Thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định.

Trên thực tế, mức dư nợ vay tối đa 60% theo đề xuất của Đà Nẵng vẫn thấp hơn mức dư nợ vay tối đa là 90% số thu ngân sách áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm đối với phát triển thành phố này.

Đề xuất của Đà Nẵng cũng bắt nguồn từ chính thực tế phát triển Thành phố. Sau 5 năm dẫn đầu chỉ số PCI, năm 2018 Đà Nẵng đã tụt hạng và nhường ngôi số 1 cho Quảng Ninh. Nhiều người theo sát tình hình phát triển của thành phố cho rằng những chỉ số phát triển của Đà Nẵng đang có chiều hướng chững lại.

Đà Nẵng cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém của thành phố như vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... còn yếu, chưa đạt được như kỳ vọng, còn khoảng cách giữa yêu cầu với thực tế hiện nay.

Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng năng suất lao động chưa tương xứng; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm khoảng 1,55% so với cả nước; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút.

Vì vậy, Thành phố cần những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để thực sự bứt phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực.

Đó là lý do đầu năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết cho phép Đà Nẵng thực hiện nhiều cơ chế đặc thù, mô hình phát triển mới.

Sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những cơ chế đặc thù mang tính đột phá tiếp tục được kỳ vọng sẽ "cởi trói" để Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, vươn tầm đô thị quốc tế.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực