Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Thứ tư, 21/10/2015 16:39

(ĐCSVN) - Bộ Tài chính vừa có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu

Đề án đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6: (Năm 2016: dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu; Đến năm 2020 còn dưới 05 ngày đối với hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu;)

Ngoài ra,  tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu (nhất là những mặt hàng nhà nước không khuyến khích nhập khẩu); bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, để đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, ngoài việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này thì cần phải đổi mới về phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Cụ thể, nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành như kiểm tra xác suất hoặc kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa có độ rủi ro thấp, hàng hóa có xuất xứ từ các nước công nghiệp phát triển, hàng hóa của doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.

Cùng với đó, thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan có trọng tâm, trọng điểm đối với hàng hóa có nguy cơ cao ảnh hưởng đến dịch bệnh, sức khỏe người dân, an ninh xã hội và môi trường.

Đặc biệt, ưu tiên và tạo thuận lợi về kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng Nhà nước khuyến khích xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất nhưng trong nước chưa sản xuất được.

Thực hiện công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand, và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận để giảm tải cho cơ quan kiểm tra.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống kho, bãi bảo quản hàng hóa tại cửa khẩu để đáp ứng yêu cầu quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, trong điều kiện tăng cường kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Có chính sách xã hội hóa để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng làm dịch vụ cho thuê kho bãi, nhằm tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kết quả kiểm tra chuyên ngành; Xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan hải quan; kịp thời thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan hải quan để thông quan nhanh chóng hàng hóa; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý và kiểm tra hàng hóa tại địa điểm bảo quản hàng hóa trong nội địa; xử lý vi phạm trong quá trình chấp hành pháp luật về hải quan và pháp luật về quản lý chuyên ngành.

Đề án cũng nêu rõ cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện kiểm tra chuyên ngành hiện đại, điều kiện làm việc và nguồn nhân lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện quản lý chuyên ngành cho các tổ chức/cơ quan/đơn vị kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn để nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành; Tập trung thực hiện kiểm tra hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến dịch bệnh, sức khỏe con người, an ninh xã hội và môi trường như hàng hóa thuộc Danh mục phải kiểm dịch động vật/thực vật/y tế, hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu....

Ưu tiên đầu tư máy móc, phương tiện và nguồn nhân lực tại các cửa khẩu quốc tế đường hàng không tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; cửa khẩu đường biển quốc tế khu vực Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; cửa khẩu đường bộ quốc tế, cửa khẩu chính tại các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh để thực hiện kiểm tra hàng hóa có nguy cơ ảnh hưởng đến dịch bệnh, sức khỏe con người, an ninh xã hội và môi trường như hàng hóa thuộc Danh mục phải kiểm dịch động vật/thực vật/y tế, hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu...

Được biết, để xây dựng Đề án, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì phối hợp với đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải tổ chức khảo sát thực tế tại một số cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn và tại một số cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động kiểm tra chuyên ngành và tại một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực