Phát huy vai trò khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV)

Thứ hai, 19/08/2019 16:35
(ĐCSVN) – Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) là khu vực vùng cao nguyên rộng lớn, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Là nơi đầu nguồn của nhiều con sông có vị trí rất quan trọng về môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh của ba nước nói chung và mỗi nước nói riêng.

Thông tin trên được khẳng định tại Hội nghị lần thứ 7 - Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam với chủ đề “Vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam trong khu vực Tam giác phát triển” diễn ra trong 2 ngày 17-18/8 vừa qua tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Hội nghị lần này đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và là dịp nhìn lại, đánh giá toàn diện hiệu quả thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia – Lào - Việt Nam.

Những kết quả tích cực từ hợp tác trong khu vực tam giác phát triển

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: MPI)

Tại Hội nghị, thay mặt Ủy ban Điều phối Việt Nam Khu vực Tam giác phát triển CLV, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Vũ Đại Thắng đã có báo cáo quan trọng về tình hình hợp tác giữa các nước trong Khu vực.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành ba nước và 13 tỉnh trong khu vực đã phối hợp chặt chẽ để triển khai các thỏa thuận hợp tác của lãnh đạo cấp cao ba nước và đạt được những kết quả nhất định trên tất cả các lĩnh vực. Khu vực Tam giác phát triển CLV với tổng diện tích tự nhiên 144.300 km2, chiếm 19,3% diện tích tự nhiên của 3 nước, có dân số trên 7 triệu người, chiếm khoảng 6,1% dân số của 3 nước.

Từ khi thiết lập cơ chế hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV đến nay, ba nước đã tổ chức 10 cuộc họp cấp Thượng đỉnh (cấp Thủ tướng), 12 kỳ họp cấp Bộ trưởng và đạt được một số kết quả quan trọng. Theo đó, hợp tác đối ngoại trong Khu vực ngày càng sôi động, tăng cường và hiệu quả. Các Hội nghị, diễn đàn hợp tác ba bên thường xuyên được tổ chức theo chế độ định kỳ và luân phiên từ cấp trung ương đến địa phương. Mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa ba nước nói chung và các tỉnh trong Khu vực nói riêng được củng cố và phát triển.

Về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển của Việt Nam (05 tỉnh) đã có bước tăng trưởng tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.820 USD.

Với việc được tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho giao thương, kim ngạch thương mại tại Khu vực CLV tăng trưởng đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào việc nâng cao kim ngạch thương mại giữa ba nước (trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 2.724,2 triệu USD, tăng 9,03% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Lào đạt 576,81 triệu USD, tăng 3,5% so với năm cùng kỳ năm 2018).

Về hợp tác đầu tư, tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư sang khu vực Tam giác phát triển CLV của Lào và Campuchia 116 dự án, trong đó có 49 dự án đầu tư nằm trong khu vực Tam giác phát triển của Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 1,638 tỉ đô la Mỹ, 67 dự án đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển của Lào với tổng vốn đầu tư Việt Nam là 1,97 tỉ đô la Mỹ.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang chủ trì phối hợp với nhóm công tác phía Campuchia và Lào rà soát kết quả thực hiện bản Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2011 - 2020 và tiến tới trình Lãnh đạo cấp cao ba nước về việc lập Quy hoạch mới cho giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng báo cáo về tình hình hợp tác của ba nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; giao thông; nông, lâm nghiệp; du lịch; công nghiệp; giáo dục; y tế.

Về hợp tác với các đối tác phát triển của 5 tỉnh thuộc Tam giác phát triển của Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cùng với 5 tỉnh của Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới trong Tam giác phát triển của Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư là 122 triệu đô la Mỹ và dự kiến triển khai trong thời gian 6 năm với mục tiêu tạo môi trường hiện thực hóa tiềm năng để trở thành trung tâm năng động hơn và tăng trưởng nhanh hơn.

Về tình hình triển khai các Thỏa thuận hợp tác trong Khu vực, trong thời gian qua việc ký các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển CLV về cơ bản đều thống nhất, đồng bộ và tương thích với chính sách, pháp luật Việt Nam, phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước đối với quan hệ, hợp tác với hai nước bạn Lào và Campuchia.

Các thỏa thuận hợp tác đều xuất phát từ những yêu cầu thực tế và tầm nhìn phát triển dài hạn trong quan hệ hợp tác giữa ba nước nói chung và Khu vực Tam giác phát triển nói riêng. Bên cạnh đó, các thỏa thuận có hiệu lực đều nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại của cộng đồng doanh nghiệp ba nước theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, các thỏa thuận hợp tác không trái với các quy định và luật pháp trong nước, không chồng chéo với các quy định liên quan, tạo được sự thông thoáng và khuyến khích các thành phần như: doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức tham gia hoạt động đi lại, thông thương, đầu tư tại Khu vực. Về cơ bản, các thỏa thuận ký giữa Việt Nam, Lào và Campuchia đã được các bộ, ngành, địa phương các bên phối hợp triển khai, thực thi theo đúng cam kết. Việc thực hiện thỏa thuận được đánh giá định kỳ hoặc trước mỗi kỳ họp.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, việc triển khai, thực thi các thỏa thuận nêu trên đem lại kết quả tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân của Việt Nam, qua đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài của Việt Nam với Lào và Campuchia trong Khu vực Tam giác phát triển nói riêng và giữa ba nước nói chung.

Các thỏa thuận liên quan đến nhiều lĩnh vực hợp tác như kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, hải quan, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải… góp phần tạo khung khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi đẩy mạnh quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế. Đồng thời, thuận lợi cho thông thương hàng hóa, người và phương tiện qua lại biên giới, là tiền đề thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, cải thiện đời sống Nhân dân của 13 tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển CLV.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tồn tại những khó khăn như việc điều chỉnh chính sách của Lào và Campuchia thời gian gần đây đã và đang tác động đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Lào và Campuchia, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam theo các điều ước quốc tế đã ký kết (đặc biệt là những nội dung liên quan đến quyền sở hữu, tô nhượng đất đai…).

Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh của Lào, Campuchia đang trong quá trình hoàn thiện, chưa minh bạch và khó tiếp cận. Các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang Lào, Campuchia chưa nắm vững và tuân thủ luật pháp, chính sách của nước sở tại ảnh hưởng đến việc thực thi cam kết, thỏa thuận đã ký. Việc thực hiện các thỏa thuận giữa ba nước còn hạn chế do nguồn lực tài chính hạn hẹp.

Để triển khai các thỏa thuận giữa ba nước một cách hiệu quả

Hội nghị nhấn mạnh tới vai trò của khu vực tam giác phát triển (Ảnh: MPI)

Từ những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai các thỏa thuận giữa ba nước, những thuận lợi và khó khăn vướng mắc nêu trên, Thứ trưởng đưa ra một số kiến nghị và giải pháp cụ thể. Theo đó, đối với lãnh đạo cấp cao ba nước, cần tăng cường vai trò giám sát đối với việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ ngân sách để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong Khu vực Tam giác phát triển của Việt Nam.

Đối với các địa phương trong khu vực, cần tập trung tích cực hơn nữa để phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương cho hợp tác phát triển, khai thác các tiềm năng là nguồn nhân lực, vốn đầu tư, công nghệ trong một số ngành và lĩnh vực như nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến... Cùng với việc hợp tác phát triển kinh tế, cần chú trọng hợp tác phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, xóa đói giảm nghèo, văn hóa, thể dục thể thao để từng bước nâng cao dân trí của khu vực.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, ba nước cần thực hiện các giải pháp theo 4 nhóm nội dung về an ninh, quốc phòng và biên giới; về hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư; về lĩnh vực xã hội; phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong đó, về hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư, các bên cần hoàn thiện Báo cáo đánh giá kết quả triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2011 - 2020 và Xây dựng bản Quy hoạch mới cho giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực Tam giác phát triển CLV; Báo cáo nghiên cứu về Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su cho Khu vực TGPT CLV.

Đồng thời, cần phối hợp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực Tam giác phát triển với nhau để phát huy lợi thế và nội lực của từng nước cũng như cả khu vực.

Các cơ quan chức năng các bên cần thường xuyên rà soát, đẩy nhanh việc triển khai các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa ba nước và đồng thời sớm xây dựng các thỏa thuận hợp tác mới, bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Cùng với đó, phải tích cực hỗ trợ cho các dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển CLV; Hỗ trợ các doanh nghiệp của mỗi nước tại khu vực Tam giác phát triển tìm hiểu hệ thống chính sách và pháp luật của ba nước trong khu vực; Trao đổi thông tin giữa các bên trong rà soát, xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh... Đơn giản hóa thủ tục hải quan, thủ tục cấp phép liên vận cho các phương tiện hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, cần đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại và du lịch theo hướng hiệu quả hơn. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch qua cửa khẩu theo phương châm “ba quốc gia, một điểm đến”. Sớm hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV và tổ chức triển khai thực hiện...

Đối với lĩnh vực xã hội, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, hợp tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển; Quan tâm thực hiện bảo đảm tốt các chính sách xã hội cho đồng bào vùng sâu, vùng xa và tuyến biên giới khu vực Tam giác phát triển, nhất là chính sách về sức khỏe, y tế, giáo dục, xóa mù chữ, xóa đói giảm nghèo.

Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, tiếp tục thực hiện các hiệp định song phương và đa phương về kết cấu hạ tầng, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới, vận tải liên quốc gia, vận tải đa phương thức giữa các nước. Tăng cường sự phối hợp ở mọi cấp độ giữa các nước để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính, các nhà tài trợ (như ADB, WB, Nhật Bản, Hàn Quốc...) để huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như các dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực tăng cường kết nối.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực