Tìm giải pháp đột phá về đầu tư công

Thứ sáu, 09/08/2019 09:16
(ĐCSVN) – Đó là yêu cầu được đặt ra tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đây cũng là hội nghị đầu tiên trong khuôn khổ 4 hội nghị có liên quan của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MPI)

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 04 Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2020 tại 04 vùng (Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng miền Trung và Tây nguyên, Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long) trên cả nước với mục tiêu tổ chức xây dựng kế hoạch 2020 đảm bảo tập trung, hiệu quả, tiết kiệm và nâng cao sự phối hợp giữa các địa phương, trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, phương thức mới trong công tác điều hành, xây dựng và triển khai kế hoạch.

Hội nghị có sự tham gia của các đại điện cơ quan trung ương như Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và đại diện của Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế - Khu công nghiệp, Cục Thống kê của 63 tỉnh, thành phố, hứa hẹn là nơi trao đổi thẳng thắn về tất cả các lĩnh vực xây dựng kế hoạch, đầu tư, đầu tư công, thúc đẩy giải ngân, liên kết vùng, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp,…

Đồng thời, tại hội nghị, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đại diện cơ quan trung ương sẽ trực tiếp trả lời các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các địa phương, cùng đồng hành với các địa phương giải quyết, tháo gỡ các nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Các chỉ tiêu phát triển cơ bản đạt kế hoạch, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện

Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang ngày 8/8. (Ảnh: MPI)

Báo cáo về kết quả vùng thời gian qua, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có diện tích lớn thứ hai cả nước, dân số gần 12 triệu người, là vùng có tiềm năng lớn về kinh tế biên mậu nhờ đường biên giới 1.273 km với Trung Quốc và 610 km với Lào. Bên cạnh đó là tiềm năng về nông nghiệp (thủy sản, dược liệu), công nghiệp (tài nguyên, thổ nhưỡng) và đặc biệt là tiềm năng du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao, danh lam, di tích...

Tăng trưởng GRDP 6 tháng ước đạt 7,6%, cao hơn bình quân cả nước (6,76%). Uớc cả năm đạt 8,5%, trong đó: Công nghiệp tăng 12,95%; Dịch vụ 7,34%; Nông nghiệp 2,45%. Một số địa phương dự kiến tăng trưởng cao hơn so mục tiêu Nghị quyết HĐND; cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh và tích cực; an sinh xã hội đạt kết quả tích cực...

6 tháng đầu năm, toàn vùng có khoảng 1.881 doanh nghiệp thành lập mới.

Cũng theo ông Đông, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng cơ bản đạt kế hoạch đề ra; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; công tác xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng an ninh, trật tự xã hội được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, tăng trưởng GRDP của vùng tuy đạt khá nhưng tập trung ở một số tỉnh; phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển vùng một cách đồng bộ, toàn diện.

Về đầu tư công, kế hoạch 2019 toàn vùng đã giao là 33.374 tỷ đồng (trong nước 27.963 tỷ đồng, nước ngoài 5.411 tỷ đồng), đạt 95,4% so với số vốn được Quốc hội thông qua. Tổng số vốn giải ngân 7 tháng 2019 của vùng đạt 13.319 tỷ đồng, đạt 39,9% kế hoạch giao, cao hơn bình quân cả nước (38%). Dự kiến cả năm giải ngân 97,5%.

Tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh cực Bắc của Tổ quốc có đường biền giới giáp với Trung Quốc và Lào, có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới; giữ ổn định chính trị, yên lòng dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; bảo vệ và phát triển rừng bảo đảm môi trường sinh thái cho phát triển bền vững, điều tiết nước sản xuất, thị trường tiêu thụ hàng hóa cho Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung yêu cầu, các đại biểu cần tập trung vào các nhóm vấn đề:

Một là, đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2019 và ước thực hiện cả năm (tập trung những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2019 để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có định hướng giải đáp, tháo gỡ).

Hai là, dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020, trong đó nhấn mạnh các định hướng trọng tâm, các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Ba là, nêu bật các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực của ngành như: quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn ODA, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hợp tác xã…Đại diện lãnh đạo các đơn vị sẽ giải đáp ngay tại hội nghị.

Bốn là, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy kinh tế và triển khai kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2019.

Năm là, chia sẻ những cách làm mới, những việc làm hay, hiệu quả đã triển khai thành công tại địa phương trong thời gian qua.

Đồng thời, qua đây, Thứ trưởng cũng chỉ ra 8 lưu ý đối với khu vực này, đó là:

Thứ nhất, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương có nhiều điểm sáng, tập trung ở một số tỉnh thông qua chỉ số GRDP.

Thứ hai, về kết quả thực hiện đầu tư công, theo Thứ trưởng, kết quả giải ngân đạt 39,9% là còn khiêm tốn, tuy nhiên lại cao hơn mức trung bình cả nước (38%).

Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, các địa phương trong vùng đã có sự cải thiện đáng ghi nhận so với chính từng địa phương. Lào Cai là tỉnh có PCI tốt nhất vùng, xếp 12/63 tỉnh thành.

Thứ tư, Thứ trưởng đánh giá, thu hút đầu tư của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về hạ tầng. Phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển vùng một cách đồng bộ, toàn diện.

Thứ năm, dự kiến kế hoạch 2020 sẽ được thực hiện đúng theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về dự toán ngân sách Nhà nước.

Thứ sáu, các vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kinh tế biên mậu, kinh tế rừng cần có đột phá hơn.

Thứ bảy, nhu cầu vốn của vùng trong kế hoạch năm 2020 tăng cao do là năm cuối của kế hoạch trung hạn 2016-2020.

Thứ tám, kiến nghị của 10 địa phương đầu tiên qua thảo luận tập trung vào cơ chế chính sách, Luật Quy hoạch, đầu tư công, bố trí các chương trình mục tiêu, vốn ODA, vốn hỗ trợ chính sách, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cần được xem xét, các mô hình hay cần được nhân rộng./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực