Australia và New Zealand là hai thị trường xuất khẩu tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam

Thứ sáu, 28/07/2017 22:50
(ĐCSVN) – Ngày 28/7, tại Hà Nội, Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương đã tổ chức hội thảo Phổ biến thông tin thị trường Australia, New Zealand và tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia – New Zealand (AANZFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp tham dự (Ảnh: K.D)

Thị trường Australia luôn được đánh giá là thị trường nhập khẩu tiềm năng đối với các nhà cung cấp thương mại và dịch vụ nước ngoài. Đây cũng là một thị trường tương đối mở cho các nhà cung cấp nước ngoài, với chính sách không áp dụng hạn ngạch nhập khẩu và hầu hết thuế nhập khẩu là 5% và 0% cho các nước kém phát triển. Theo Hiệp định AANZFTA thì khoảng 96% thuế quan của Australia được loại bỏ vào năm 2010, phần còn lại sẽ được thực hiện vào năm 2020 đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương nhận định, Australia và New Zealand là hai thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Đây là hai thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam cho các mặt hàng như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng... Theo Hiệp định, các nước thống nhất cắt giảm từ 90% - 100% tổng số các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020. Tận dụng ưu đãi trong Hiệp định thương mại tự do là sử dụng tối đa những điều kiện và quyền lợi mà nước tham gia được hưởng trong quá trình thực thi Hiệp định.

Việc nghiên cứu phổ biến thông tin về tận dụng ưu đãi trong Hiệp định AANZFTA sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng tốt hơn những ưu đãi trong Hiệp định này nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia và New Zealand.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2016, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt 5,26 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2015; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 2,87 tỷ USD, giảm 1,7% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 2,39 tỷ USD, tăng 18,3%. Đặc biệt, năm 2016 Việt Nam xuất siêu khoảng 480 triệu USD sang thị trường Australia.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và New Zealand cũng đã phát triển mạnh trong 5 năm, bình quân tăng trưởng khoảng 26,7%/năm. Thương mại song phương đang dần hướng tới trạng thái cân bằng và ổn định. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và New Zealand có tính tương hỗ và bổ trợ lẫn nhau.

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Diệu Linh, chuyên gia Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương, thị trường Australia là thị trường nhiều thách thức cho các nhà cung cấp nước ngoài do một số đặc điểm khác biệt trong phương thức mua hàng của doanh nghiệp nhập khẩu Australia. Thị trường Australia cũng là thị trường khó tính với các tiêu chuẩn đặt ra với sản phẩm nhập khẩu tương đối cao. Người tiêu dùng Australia rất hiểu biết và đánh giá cao hàng hóa sản xuất tại nội địa.

Ngoài ra, với thị trường New Zealand các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản đều phải qua giám định chất lượng rất chặt chẽ. Hàng hóa xuất khẩu sang New Zealand phải chịu chi phí vận chuyển cao do khoảng cách địa lý xa, vận chuyển hàng hóa đường biển phải trung chuyển qua nước thứ 3. Điều này gây khó khăn cho cạnh tranh về giá với các sản phẩm rẻ hơn của Trung Quốc, Ấn Độ.

Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quy tắc xuất xứ -Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sẽ còn rất lớn vì hiện nay, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia vẫn còn rất khiêm tốn. Cũng theo bà Hiền, Hiệp định AANZFTA đang được triển khai và trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu sẽ giúp quan hệ thương mại Việt – Australia-New Zealand phát triển mạnh hơn nữa. Vì vậy, doanh nghiệp cần đặt mình vào các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cạnh tranh được với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực