Bà Rịa- Vũng Tàu tập trung phát triển lợi thế cảng nước sâu

Thứ năm, 14/09/2017 23:09
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, hiện tỉnh này có 7 cảng container (TEU) được đưa vào khai thác với công suất 6,8 triệu TEU/năm, 1 cảng container khác cũng đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào hoạt động, nâng tổng công suất các cảng lên 8,5 triệu TEU/năm.

 

Bà Rịa- Vũng Tàu đang tận dụng lợi thế để phát triển

ngành kinh tế cảng biển (Ảnh: K.V)


Các cảng nói trên được xây dựng với quy mô hiện đại, thiết bị tiên tiến, tốc độ giải phóng tàu nhanh, đã tiếp nhận thành công các tàu trọng tải trên 100.000 tấn. Đặc biệt,  Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã thử nghiệm thành công việc tiếp nhận siêu tàu container trọng tải 194.000 DWT.

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có đường bờ biển dài trên 312 km, thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các lĩnh vực cảng biển, dịch vụ logistic (là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác), khai thác hải sản, du lịch… Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh có 57 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 28 bến cảng với công suất 98 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu bến là 11,6 km. Riêng tại khu vực Cái Mép- Thị Vải có 35 bến cảng trong đó 17 bến đã đi vào khai thác.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trong 5 năm qua, sản lượng hàng hóa thông qua cảng hàng năm của cụm cảng Cái Mép- Thị Vải đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các cảng, cụm cảng khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, dự kiến lượng hàng container qua hệ thống Cái Mép - Thị Vải có thể lên đến 3 triệu TEU. Hiện nay, do chưa phải là cảng trung chuyển, phần lớn lượng hàng container đang phải trung chuyển qua cảng Singapore, Hongkong với chi phí trung chuyển mỗi TEU là 200 USD. Nếu Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển thì không những mỗi năm có thể tiết kiệm hàng trăm triệu USD chi phí trung chuyển mà còn có thể đưa cụm cảng này gia nhập hệ thống trung chuyển quốc tế.

Cũng theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng biển Bà Rịa- Vũng Tàu là cảng biển tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế, đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Năng lực thông qua hàng hóa dự kiến vào năm 2020 khoảng 109 triệu tấn/năm, năm 2025 khoảng 149 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 195 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng container dự kiến năm 2020 khoảng 4,17 triệu TEU/năm, năm 2025 khoảng 6,8 triệu TEU/năm.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển cho biết, trong tương lai, nếu phát triển đồng bộ trung tâm trung chuyển nội địa tại Cái Mép – Thị Vải, gom hàng xuất khẩu của các vùng, miền trong cả nước để đưa lên tàu mẹ thì Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế. Điều này không chỉ giải quyết bài toán hàng vận tải biển xa của Việt Nam, việc hình thành các tuyến vận tải từ Cái Mép đi châu Âu, Mỹ còn là cơ sở để thu hút hàng trung chuyển quốc tế và từng bước đưa Cái Mép - Thị Vải gia nhập mạng lưới các cảng trung chuyển khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, hiện nay các cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép- Thị Vải đảm nhận vai trò trung chuyển hàng hóa quốc tế, tiếp nhận được tàu container loại lớn có trọng tải đến 160.000 tấn. Hàng tuần có 20 chuyến tàu mẹ vào làm hàng tại cảng Cái Mép – Thị Vải trong đó có 4 chuyến đến bờ Đông và 3 chuyến đến bờ Tây của Hoa Kỳ, 4 chuyến đến châu Âu và 9 chuyến đến châu Á. Bên cạnh đó, Bà Rịa- Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp dài hơi nhằm tập trung khai thác thế mạnh về cảng biển. Trong đó về phát triển dịch vụ hậu cần cảng, tỉnh đã lập đề án Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ logistics với quy mô trên 1.000 ha, trong đó tập trung quy hoạch và đầu tư trung tâm logistics với quy mô khoảng trên 800 ha tại khu vực Cái Mép Hạ.

Nhằm tiếp tục nâng cao công suất khai thác hệ thống cảng, ngoài các giải pháp trước mắt, tỉnh  Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã triển khai nhiều giải pháp dài hơi nhằm tập trung khai thác thế mạnh về cảng biển. Trong đó về phát triển dịch vụ hậu cần cảng, tỉnh đã lập đề án Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ logistics với quy mô trên 1.000 ha, trong đó tập trung quy hoạch và đầu tư trung tâm logistics với quy mô khoảng trên 800 ha tại khu vực Cái Mép Hạ. Trong chính sách thu hút đầu tư, tỉnh cũng ưu tiên các loại hình kinh tế, dịch vụ lấy phát triển hệ thống cảng và dịch vụ hậu cần cảng làm nhiệm vụ trọng tâm trong đó ưu tiên logistics. Trong đó, một trong 7 dự án, lĩnh vực đang được ưu tiên hiện nay trong lĩnh vực logistics là dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích 800 ha và dự án trung tâm logistics tại khu công nghiệp Cái Mép với diện tích khoảng 100 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng./..

 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực