Chuyển đổi số là nhiệm vụ then chốt để hiện đại hóa ngành Tài chính

Thứ ba, 31/12/2024 21:47
(ĐCSVN) – Phát biểu chị đạo về nhiệm vụ của nghành Tài chính năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cải cách hành chính và chuyển đổi số là nhiệm vụ then chốt để hiện đại hóa ngành Tài chính. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại số hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.(Ảnh: M.P) 

Chiều 31/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn  Phó Thủ tướng Chính Phủ Hồ Đức Phớc; đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với kinh tế toàn cầu khi chịu tác động từ lạm phát, biến động thị trường tài chính quốc tế, và bất ổn địa chính trị. Trong bối cảnh đó, ngành tài chính Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo báo cáo tại Hội nghị, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 ước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng, vượt 19,1% so với dự toán và tăng 15,5% so với năm 2023. Đặc biệt, thu ngân sách Trung ương đạt 123,7% dự toán, trong khi thu ngân sách địa phương đạt 114,4%.

Tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8% GDP, trong đó thu từ thuế và phí chiếm 14,2% GDP. Đây là kết quả từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý tài chính trong việc thực hiện các biện pháp quản lý thu hiệu quả, chống thất thu thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, hải quan.

Tổng chi NSNN năm 2024 ước đạt 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Chi đầu tư phát triển đạt 78,1% dự toán, trong đó giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 77,5% kế hoạch. Chi thường xuyên được quản lý chặt chẽ, đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, y tế, giáo dục và quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, công tác quản lý nợ công tiếp tục được kiểm soát tốt, với dư nợ công khoảng 36-37% GDP và nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP. Tất cả các nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đúng hạn, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hay mất cân đối tài chính.

Thị trường tài chính Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định. Vốn hóa thị trường chứng khoán đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tăng gần 20%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bảo hiểm cũng có sự phục hồi đáng kể, góp phần huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: MP) 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính, đồng thời nhấn mạnh rằng để duy trì và phát huy những thành tựu đã đạt được, ngành tài chính cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, chủ động thích ứng trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới.

Thủ tướng chỉ rõ, năm 2025 là năm bản lề với nhiều nhiệm vụ lớn, đòi hỏi ngành tài chính phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu quan trọng, đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung xây dựng và hoàn thiện các chính sách tài chính, ngân sách nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, cần ưu tiên hoàn thiện các dự thảo luật như Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Chứng khoán sửa đổi, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát tài chính.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa trong việc phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Việc quản lý thu – chi ngân sách phải được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm như hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, và chuyển đổi số.

Cải cách hành chính và chuyển đổi số là nhiệm vụ then chốt để hiện đại hóa ngành tài chính. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại số hóa.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành tài chính tiếp tục phát triển thị trường tài chính theo hướng bền vững, minh bạch, nhằm huy động tốt hơn các nguồn lực cho nền kinh tế. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi là một mục tiêu quan trọng cần được thực hiện trong năm 2025.

Những thành tựu đạt được trong năm 2024 là nền tảng quan trọng để ngành tài chính tiếp tục đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ toàn ngành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: MP)

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,   Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với nhiều thuận lợi, nhưng cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Trước nhiệm vụ ngày càng lớn và nặng nề, Bộ Tài chính cam kết triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ được giao, đặc biệt là điều hành hiệu quả chính sách tài khóa, thu hút mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng khẳng định, ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò là “vốn mồi”, dẫn dắt, thu hút các nguồn vốn khác, đảm bảo đầu tư phát triển mạnh mẽ, đột phá và bền vững. Ngành Tài chính tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tài chính – ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trong quản lý thu – chi ngân sách, Bộ Tài chính sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp ngay từ đầu năm, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu, buôn lậu, và quản lý hiệu quả các nguồn thu mới như thương mại điện tử. Chi ngân sách sẽ được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, với ưu tiên dành cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cấp bách.

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với việc giảm trên 2.650 đầu mối. Đội ngũ cán bộ ngành Tài chính sẽ được đào tạo để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng khẳng định, toàn ngành sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực