Mục tiêu của tỉnh Cà Mau là đến năm 2020 sẽ giảm tàu có công suất
dưới 20 CV từ 29% xuống còn khoảng 11% (Ảnh: K.V)
Theo đó, tỉnh Cà Mau quyết tâm đến năm 2020 sẽ nâng cao hiệu quả ngành nghề khai thác biển. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, tỉnh này sẽ giảm tàu có công suất dưới 20 CV từ 29% xuống còn khoảng 11%; tăng dần loại tàu có công suất từ trên 20 CV đến 90 CV từ 37% lên 40%, tăng tàu có công suất từ 90 CV trở lên từ 34% đến 49%. Tuy số lượng tàu khai thác thủy sản giảm khoảng 300 chiếc nhưng sản lượng khai thác hàng năm vẫn không giảm. Dự kiến, đến năm 2020, sản lượng khai thác đạt 160.000 tấn; trong đó, có 10.000 tấn tôm.
Những năm qua, ngành chế biến thuỷ sản đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của toàn ngành công nghiệp của tỉnh Cà Mau. Có được kết quả này là do tỉnh Cà Mau đã tận dụng được lợi thế như điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng và khai thác thuỷ sản tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Chính vì vậy, công nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp. Cũng trong thời gian qua, các cơ sở công nghiệp chế biến thuỷ sản ở Cà Mau đã tăng lên cả về số lượng và quy mô, được đầu tư cả chiều rộng và chiều sâu. Đáp ứng yeey cầu phát triển bền vững của ngành này.
Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 33 doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu thuỷ sản, với tổng công suất thiết kế chế biến tôm trên 250 nghìn tấn/năm. Đặc biệt, thiết bị, công nghệ, trình độ quản lý sản xuất được đánh giá là hiện đại và ngang tầm các nước trong khu vực. Các mặt hàng thuỷ sản của tỉnh này đã có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhất là các thị trường vô cùng khó tính như: Nhật, Mỹ hay EU.
Mục tiêu tỉnh Cà Mau đặt ra từ nay đến năm 2025 là, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và ngang tầm khu vực về công nghiệp chế biến thuỷ sản (sản phẩm tôm xuất khẩu), có sức lan toả, tác động đến phát triển công nghiệp vùng. Giai đoạn 2026-2030, phát triển một số nhóm ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản theo hướng hiện đại, từng bước chuyên môn hoá cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững.
Nhằm thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, cơ quan chức năng tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp sửa chữa đội tàu cá có công suất lớn để phục vụ đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng khai thác xa bờ từ 73% lên 80%.
Ngoài ra, Cà Mau còn áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản sản phẩm để giảm bớt tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản từ trên 20% như hiện nay giảm xuống còn dưới 10% vào năm 2020. Quan tâm đầu tư phát triển thêm nhiều cơ sở phục vụ đóng mới và sửa chữa các loại tàu cá, xây dựng trên chục cảng cá và bến cá đưa vào hoạt động kết hợp làm khu neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu, thuyền. Việc đầu tư phát triển ngành nghề khai thác biển không chỉ nâng hiệu quả về lĩnh vực kinh tế biển của tỉnh trong thời gian tới, mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ đang đứng trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt.
Cùng với đó, Cà Mau sẽ tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội tàu khai thác xa bờ. Đồng thời, hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần hiện đại đủ khả năng hoạt động thu mua trên biển và tương xứng với tiềm năng phát triển khai thác thủy sản của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, trước hết phải hình thành chuỗi sản xuất từ vùng sản xuất nguyên liệu, chế biến đến khâu tiêu thụ với hệ thống phân phối đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng được mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng nguyên liệu, được bố trí phù hợp để làm vệ tinh, có thể tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu để phục vụ cho chế biến xuất khẩu./.