Việt Nam đạt những kết quả quan trọng trong thực thi Công ước chống tra tấn

Thứ sáu, 22/11/2024 11:08
(ĐCSVN) - Hội thảo đã mang lại những kết quả quan trọng nhằm lan tỏa những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong việc thực thi Công ước chống tra tấn, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong việc thực hiện các trách nhiệm quốc tế.
Quang cảnh Hội thảo 

Thực hiện Đề án của Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Cục Đối ngoại và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, tổ chức Hội thảo quốc tế “Giới thiệu Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”.

Hội thảo do Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an chủ trì. Tham dự Hội thảo có ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UPDP tại Việt Nam; và 70 đại biểu nhiều cơ quan trung ương và địa phương, bao gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, các bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Tài chính, Khoa học Công nghệ, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Viện Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Luật Hà Nội; Học viện Tư pháp.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện các sở, ban, ngành Công an, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân các tỉnh/thành phố cùng đại diện các Đại Sứ quán Na Uy, Hà Lan và Thụy Sĩ tại Hà Nội.

Hội thảo diễn ra trong một ngày với 2 phiên: (1) Tổng quan về Việt Nam tham gia Công ước chống tra tấn và nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm của nước thành viên: (2) Thảo luận chuyên đề. Trong đó, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã trình bày tổng quan về Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn), quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ hai thực thi Công ước và các thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền không bị tra tấn.

Hội thảo đã mang lại những kết quả quan trọng nhằm lan tỏa những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong việc thực thi Công ước chống tra tấn, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong việc thực hiện các trách nhiệm quốc tế. Hội thảo cũng là cơ hội để các chuyên gia, báo cáo viên, diễn giả chia sẻ những góc nhìn toàn diện về hành trình Việt Nam tham gia Công ước, những thành tựu đã đạt được, và những khía cạnh pháp lý, thực tiễn được các nước quan tâm, bao gồm các biện pháp bảo đảm quyền con người trong hoạt động tạm giữ, tạm giam. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo.

Bảy chuyên đề thảo luận tại Hội thảo của Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao, Cục Cảnh sát quản lý tạm giam, tạm giữ và thi hành án hình sự tại cộng đồng - Bộ Công an, Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Đại học luật Hà Nội đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về việc triển khai thực thi Công ước chống tra tấn tại các bộ, ngành, đơn vị liên quan, từ giáo dục nâng cao nhận thức về Công ước, hoàn thiện pháp luật nhằm thực thi hiệu quả Công ước, các biện pháp bảo vệ quyền con người trong tạm giữ, tạm giam, cũng như những vấn đề liên quan đến tố tụng đảm bảo quyền không bị tra tấn, việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người…

Bên cạnh đó, phần hỏi - đáp sau các chuyên đề tham luận đã diễn ra sôi nổi. Các cáo viên cũng cung cấp thêm thông tin giải đáp các câu hỏi, của đại biểu để làm rõ hơn các vấn đề liên quan Công ước chống tra tấn và thực tiễn thực thi Công ước, những giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu; khẳng định Bộ Công an đã ghi nhận những ý kiến, góp ý của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, sẽ tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong Hội thảo để nâng cao hiệu quả thực thi Công ước cũng như để chuẩn bị cho việc trình bày và bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về Công ước chống tra tấn tại Ủy ban Công ước trong thời gian tới./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực