Đổi mới mô hình hoạt động các công ty lâm nghiệp Lạng Sơn

Thứ ba, 15/11/2016 16:54

(ĐCSVN) - Thực hiện theo Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành cổ phần hóa, sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, bước đầu đưa hoạt động của các công ty đi vào nề nếp.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn Ngô Viết Hải (Ảnh: BT)

Đổi mới mô hình quản lý


Theo Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Lạng Sơn Ngô Viết Hải, trước khi tiến hành cổ phần hóa, trên địa bàn tỉnh có 3 lâm trường trực thuộc tỉnh, gồm: Đông Bắc - Hữu Lũng, Đình Lập, Lộc Bình. Sau khi tiến hành cổ phần hóa và sắp xếp lại từ năm 2014 đến nay, 3 lâm trường đã chuyển về trực thuộc Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam và đổi tên thành các công ty TNHH MTV.

Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn nêu rõ, triển khai sắp xếp, đổi mới các công ty lâm trường đã góp phần đưa hoạt động của các công ty đi vào hoạt động bài bản và nề nếp hơn so với giai đoạn trước. Điều này có thể thấy qua việc diện tích đất được giao cho các lâm trường sẽ được xác định cắm mốc, phân ranh giới. Trong đó, công ty lâm nghiệp sẽ giữ lại các diện tích được sử dụng hiệu quả, còn phần diện tích sản xuất không hiệu quả, manh mún, bạc màu,...sẽ được phân định để triển khai giao lại cho địa phương. Trên cơ sở đó, các công ty sẽ có điều kiện để quản lý sát sao hiệu quả các diện tích đất thuộc quyền quản lý của công ty.

Với việc chuyển đổi mô hình quản lý trong sử dụng đất, đồng thời cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp trực thuộc về Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam đã tạo điều kiện cho các công ty có điều kiện để tiến hành đổi mới hoạt động sản xuất. Trong đó, với việc trực thuộc Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam, các công ty được đầu tư để triển khai đầu tư giống cây trồng, phân bón, công chăm sóc,...để trồng rừng lấy nguyên liệu. Bên cạnh đó, sau khi cổ phần hóa, việc đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm sản xuất được đảm bảo hơn.

Theo anh Ngô Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lộc Bình, sau khi cổ phần hóa,
công ty đang tiến hành quy hoạch trồng cây bạch đàn ở các vùng tập trung (Ảnh: BT)

Đơn cử tại Công ty TNHH MTV Lộc Bình, theo Giám đốc Công ty Ngô Văn Thắng, sau khi tiến hành cổ phần hóa công ty từ tháng 5/2015, công ty đã tiến hành đổi mới hoạt động, đầu tư vào sản xuất, quy hoạch sản xuất vùng trồng bạch đàn với quy mô lớn hàng chục ha. Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành cải tạo lại đất trồng, tạo điều kiện cho cây trồng đạt năng suất và hiệu quả cao.

Giám đốc Ngô Văn Thắng cho hay, hiện nay, công ty đang tiến hành trồng khoảng 170ha cây lâm nghiệp, trong đó gồm 163ha cây bạch đàn. Với chu kỳ vào khoảng 6 năm thu hoạch, cây bạch đàn cho thu hoạch bình quân 130 khối gỗ/ha; sau khi khai thác xong sẽ tiếp tục thu hoạch với 2 chu kỳ chồi chỉ cần bón phân và chăm sóc. Đặc biệt, với việc đưa giống mới vào trồng cho tốc độ tăng trưởng nhanh có thể đạt độ cao 2m/tháng, cây thẳng đồng đều, khi bán khối gỗ chênh 300 nghìn đồng so với giống cũ. Đồng thời, với việc hoạt động của công ty bắt đầu đi vào nề nếp, việc chi trả lương cho công nhân của công ty đã được triển khai ổn định với mức lương khoảng trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH MTV Đông Bắc - Hữu Lũng cũng hoạt động khá hiệu quả với mô hình trồng cây bạch đàn. Trong đó, các công ty lâm nghiệp đầu tư về giống, phân bón, người dân tham gia chăm sóc, vun xới, bảo vệ,...Sau khi thu hoạch lợi nhuận sẽ được phân chia theo  thỏa thuận ban đầu giữa công ty và người dân. Đây là mô hình đã được thực hiện khá hiệu quả tại công ty và đang được các công ty khác trên địa bàn tỉnh học tập, triển khai.

Các vùng trồng cây bạch đàn hứa hẹn sẽ cho thu hoạch hiệu quả sau chu kỳ 6 năm trồng (Ảnh: BT)

Vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác cắm mốc

Tuy đã tiến hành sắp xếp, cổ phần hóa lại các công ty lâm nghiệp, nhưng việc thực hiện cắm mốc phân định ranh giới giữa diện tích đất rừng thuộc quyền quản lý, sử dụng của các công ty lâm nghiệp và phần diện tích sẽ giao trả lại cho địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn khá nhiều vướng mắc.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, thực hiện Dự án lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cắm mốc ranh giới, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các Công ty Lâm nghiệp, với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc – Hữu Lũng, sau khi cổ phần hóa, công ty quản lý, sử dụng diện tích khoảng 4.000ha, diện tích đất dự kiến giao lại cho địa phương quản lý khoảng 8.973ha. Với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập, sau khi cổ phần hóa, công ty quản lý, sử dụng diện tích khoảng 5.462,4ha, diện tích đất dự kiến giao lại cho địa phương quản lý khoảng 3.325ha. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình, sau khi cổ phần hóa, công ty quản lý, sử dụng diện tích khoảng 3.969ha, diện tích dự kiến giao lại địa phương quản lý khoảng 2.994,25ha.

Hiện nay, với hai công ty: TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc – Hữu Lũng và TNHH MTV Đình Lập, việc tiến hành cắm mốc, xác định ranh giới đất quản lý của công ty và phần diện tích giao lại cho địa phương đã cơ bản hoàn thành xong. Tuy vậy, việc triển khai công tác này ở Công ty TNHH MTV Lộc Bình vẫn còn khá nhiều khó khăn. Trong đó, trên địa bàn huyện Lộc Bình, mới xác định ranh giới, đo đạc, cắm mốc được 9/14 xã, thị trấn, còn lại 5 xã, thị trấn vẫn đang vướng mắc, cụ thể là các xã: Tam Gia, Nam Quan, Sàn Viên, Lợi Bác; thị trấn Na Dương.

Nguyên nhân do công ty Lâm nghiệp được giao đất với diện tích lớn, địa hình phức tạp, việc xác định ranh giới đất ngoài thực địa chưa chính xác, chưa cụ thể; chưa khoanh vẽ và tách được các loại đất như: đất sản xuất nông nghiệp, đất ở,…của các hộ gia đình, cá nhân xen với diện tích đất giao cho các công ty lâm nghiệp. Vì vậy dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai gây khó khăn cho công tác quản lý.

Bên cạnh đó, có thể thấy quá trình quản lý đất đai qua các thời kỳ của các Công ty lâm nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn đến một số vị trí rừng người dân lấn chiếm và tái đầu tư sản xuất. Tình trạng tranh chấp đất đai tại các chân lô trên các khe ruộng, các khu vực dân cư giáp đất công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện cắm mốc ranh giới, đo đạc theo dự án.

Để giải quyết các vấn đề trong tranh chấp đất đai lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ngô Viết Hải, ngành sẽ tích cực vận động, tuyên truyền để người dân hiểu về công tác phân định cắm mốc đất của các công ty lâm nghiệp. Đặc biệt, tại huyện Lộc Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã thành lập Tổ công tác giải quyết các vướng mắc, đề nghị UBND huyện Lộc Bình chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Tổ công tác để thực hiện đo đạc, cắm mốc. Đồng thời bố trí lực lượng chức năng phối hợp bảo vệ thi công, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành Dự án cắm mốc ranh giới đất đai công ty lâm nghiệp trong năm 2016.

Hiện nay, trong các khu vực tiếp giáp với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bình có khoảng 309 hộ nông dân chưa có đất lâm nghiệp để sản xuất. Vì vậy, quan điểm chung của các cấp, các ngành và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam thống nhất tạo điều kiện cho người dân trong khu vực có đất sản xuất lâm nghiệp để đảm bảo đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo./.

 

 

BT- ĐH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực