Đối tượng nào được tham gia gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao?

Thứ sáu, 07/04/2017 15:12
(ĐCSVN) - Đối tượng được tham gia vay gói hỗ trợ 100 nghìn tỷ đồng là các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đại diện cho hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Các tổ chức và cá nhân hoạt động lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được tham gia gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng (Ảnh minh họa: BT)

Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết về đối tượng được tham gia gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Thanh Thủy, triển khai chỉ đạo của Chính phủ về gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Theo đó, đối tượng được tham gia vay gói hỗ trợ là các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đại diện cho hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Cùng với các đối tượng được vay, Quyết định nêu rõ các tiêu chí để xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Trong đó, với dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần đáp ứng được một trong các tiêu chí: Dự án đầu tư thực hiện trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu; Dự án trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận vùng. Hoặc Dự án của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác không thuộc các tiêu chí các Dự án trên gồm: Dự án áp dụng các công nghệ được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường vẫn được xác định là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (kèm theo danh mục quy định).

Với dự án nông nghiệp sạch được xác định là dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng một trong các tiêu chí: Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu. Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3/12/2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm,…

Theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Thanh Thủy, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tổ chức các hội thảo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến cũng như hướng dẫn về tiêu chí liên quan đến chương trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đến các đối tượng được tham gia. Thông qua đó, thực hiện một cách hiệu quả nhất gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dành gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại (chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước) dành cho lĩnh vực này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan. Theo đó, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn từ 0,5- 1,5% so với lãi suất thị trường.

Nhằm đạt được lãi suất này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Các Ngân hàng thương mại đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo để tạo điều kiện tiếp cận công khai, minh bạch tới các đối tượng vay.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực