Nhiều trang trại ở Đồng Nai đang gặp khó khăn do giá lợn hơi
xuống thấp kéo dài trong thời gian qua (Ảnh: K.V)
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, với mức giá thịt lợn trên thị trường tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua, chỉ có các trang trại nuôi lợn thuộc hệ thống công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới có lợi nhuận khoảng 1 nghìn đồng/kg lợn hơi bán ra. Trong khi đó, các trang trại tư nhân chịu thua lỗ từ 3,5-6,5 nghìn đồng/kg lợn hơi, còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có mức lỗ cao nhất đến 10 nghìn đồng/kg.
Cũng theo số liệu thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp Đồng Nai, hiện tổng đàn lợn của Đồng Nai còn trên 1,7 triệu con, giảm 17,4% so với hồi đầu năm 2017. Tuy nhiên, giá lợn hơi kéo dài bấp bênh ở mức thấp vì thị trường cung vẫn vượt cầu. Cơn khủng hoảng của ngành chăn nuôi vẫn đang diễn ra với dự báo tiếp tục có thêm một số cơ sở đóng cửa vì phá sản do thua lỗ kéo dài.
Trước tình hình giá bán lợn hơi giảm sâu, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, trong đó có việc triển khai các cửa hàng bình ổn giá. Theo đánh giá, hoạt động của các cửa hàng này đã góp phần đẩy giá bán thịt lợn tăng lên. Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cũng đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường tuyên truyền các hộ dân giết mổ tại các cơ sở tập trung; đồng thời kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ lợn nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm, môi trường…
Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhận định, nhu cầu tiêu thụ lợn trong nước hiện nay khó có thể tăng hơn, do đó, nếu được xuất khẩu lợn chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực cho thị trường nội địa và sẽ giải phóng nhanh hơn lượng heo tồn trong người dân. Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện nay, đầu ra xuất khẩu tiểu ngạch lợn sang Campuchia cũng đang khá thuận lợi. Khi thấy giá lợn hơi Việt Nam xuống quá thấp, nhiều thương lái đã sang thăm dò thị trường Campuchia và tiến hành mua lợn với lượng lớn bán sang nước này.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, xuất khẩu lợn sang Campuchia là một hướng mở trong lúc này. Song, lợn hơi Đồng Nai xuất khẩu sang Campuchia có mức giá không cao, chỉ khoảng 25.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Trí Công kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ vào khâu giống để cải thiện đàn giống tại địa phương; hỗ trợ để xây dựng chuỗi liên kết, giảm các khâu trung gian và rủi ro khi đầu tư. Chính quyền địa phương cần theo sát hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong việc tham gia chương trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc cũng như tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giai đoạn hiện nay Đồng Nai nên bứt phá xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi Đồng Nai bằng uy tín, chất lượng. Muốn làm được điều này thì phải đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc với sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu con giống, quy trình chăn nuôi đến giết mổ, đưa ra thị trường. Đồng Nai nên tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi thành chuỗi liên kết theo hướng an toàn, đạt chứng nhận GAP. Nông dân nên bỏ lối suy nghĩ có lợi ích gì khi tham gia vào chuỗi liên kết đạt chứng nhận GAP, mà cần tính đến sự phát triển lâu dài, bền vững.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nhận định, việc giá lợn xuống thấp thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến vùng chăn nuôi và đời sống người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, phục hồi ngành chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ mà tỉnh Đồng Nai cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm. Cụ thể là việc triển khai các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong chăn nuôi, mở rộng các kênh tiêu thụ, đồng thời các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ vay vốn để người chăn nuôi vượt qua khó khăn hiện tại./.