Du lịch cụm liên kết đang khởi sắc

Thứ ba, 14/01/2020 13:43
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam, hoạt động du lịch cụm liên kết phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Trà Vinh tiếp tục tăng trưởng cả về doanh thu, lượng khách và công tác liên kết phát triển du lịch được tăng cường, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương.
leftcenterrightdel
Du lịch xuồng chèo ở khu dịch sinh thái Gáo Giồng (tỉnh Đồng Tháp)  

Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp (Cụm trưởng Cụm Du lịch phía Đông ĐBSCL): “Trong năm 2019, du lịch cụm liên kết phía Đông đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục gặt hái nhiều kết quả ấn tượng, đón hơn 12,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 5.600 tỷ đồng (tăng 18,8% lượt khách và tăng 62% doanh thu so với năm 2018). Riêng tỉnh Đồng Tháp đón hơn 3,9 triệu lượt khách (trong đó có 95.000 lượt khách quốc tế), doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng (tăng hơn 8% về lượt khách và tăng 15% về doanh thu so với năm 2018. Với kết quả này, Đồng Tháp hoàn thành sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu kế hoạch thực hiện đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015 – 2020”.

Có được kết quả trên là do các tỉnh đẩy mạnh liên kết xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch cụm đến du khách trong và ngoài nước thông qua các kỳ hội chợ triển lãm và các lễ hội... Các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang tiếp tục phối hợp xây dựng, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm vùng Đồng Tháp Mười, thực hiện Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng Tháp tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc thù của từng khu du lịch trọng điểm của tỉnh theo Đề án Phát triển du lịch Đồng Tháp và Kế hoạch Phát triển sản phẩm đặc thù tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020. Tỉnh Trà Vinh xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh tại Khu văn hóa Du lịch Ao Bà Om và vùng phụ cận; Quy hoạch Phân khu du lịch sinh thái cù lao Tân Quy xã Phú Tân huyện Cầu Kè; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện “Tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL năm 2019”…

Thời gian qua, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành, khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú, giao lưu, ký kết hợp tác xây dựng sản phẩm, sử dụng dịch vụ của nhau nhân các sự kiện văn hóa du lịch, hội nghị, hội thảo hoặc tổ chức đoàn Famtrip khảo sát các sản phẩm dịch vụ du lịch mới và kết nối tour tuyến để giới thiệu và chào bán cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Du lịch cụm liên kết phía Đông đồng bằng sông Cửu Long có nhiều địa điểm tham quan tiêu biểu: Cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy (tỉnh Bến Tre), cồn Thới Sơn (Tiền Giang) hay cù lao Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ – Vĩnh Long); chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), Chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long); ruộng lúa nước của người Khmer Trà Vinh…đã và đang được khai thác phục vụ du lịch tương đối hiệu quả. Không chỉ có sông nước, miệt vườn, phía đông ĐBSCL còn có hệ sinh thái tự nhiên tương đối đa dạng và đặc sắc: Khu bảo tồn tự nhiên Láng Sen (Long An), Sân chim Vàm Hồ (huyện Ba Tri –Bến Tre), rừng ngập mặn Thạnh Phú (Bến Tre).

leftcenterrightdel
Nhà vườn hướng dẫn du khách tham quan vườn quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) 

Ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Bến Tre cho biết: “Nhờ liên kết chặt chẽ, hình thành những tour – tuyến du lịch phù hợp và hấp dẫn, các tỉnh phía đông Đồng bằng sông Cửu Long đã khai thác được những sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương: du lịch sinh thái miệt vườn ở tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long; tham quan làng nghề cung ứng giống cây ăn trái, hoa kiểng ở Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), làng hoa ở Sa Đéc (Đồng Tháp), các thắng cảnh và di tích lịch sử – văn hóa liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh...”.

Tiềm năng du lịch các tỉnh phía Đông đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn và khả năng còn phát triển đa dạng, phong phú hơn nữa. Nhà nước và các nhà làm du lịch của 6 tỉnh đang tiếp tục quy hoạch, liên kết và phát triển để tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo hơn; từng bước đầu tư và củng cố hệ thống cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết tour, tuyến để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của Cụm du lịch duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long này.

Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng: Bên cạnh những kết quả khởi sắc đạt được, những vấn đề các tỉnh trong cụm cần khắc phục như: Việc hợp tác, liên kết hỗ trợ xây dựng điểm đến, sản phẩm du lịch còn hạn chế, chỉ mới thực hiện thông qua công tác thông tin, quảng cáo, xúc tiến du lịch chưa thật đi vào chiều sâu. Công tác liên kết đào tạo, quản lý nhà nước về du lịch còn hạn chế. Các tỉnh chưa luân phiên tổ chức sự kiện chung để tạo điểm nhấn trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cũng như chưa xây dựng được tuyến du lịch chung các tỉnh. “Các doanh nghiệp trong cụm phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp, chưa quan tâm nhiều đến công tác quảng bá thương hiệu và liên kết, hợp tác phát triển kinh doanh. Các hộ làm du lịch cộng đồng chưa có kinh nghiệm và kỹ năng làm du lịch nên chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của khách...” – ông Phong nói./.

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực