Ngày 2/6, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã làm việc với TP Hà Nội về chính sách và mô hình phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao tại huyện Ba Vì. Cùng dự các các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, 6 tháng đầu năm, đàn bò có xu hướng tăng do giá bán ổn định, nhu cầu thị trường lớn, hiệu quả kinh tế cao. Ước tính, đàn bò có trên 134 nghìn con, sản lượng ước đạt 5.350 tấn.
Đoàn công tác Bộ NN & PTNT, TP Hà Nội và tỉnh Thái Bình tham quan
đàn bò của các hộ dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì
Riêng huyện Ba Vì đã quy hoạch và hình thành được 10/31 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn bò thịt đạt trên 20 nghìn con, quy mô bình quân 5 con/hộ. Toàn huyện có gần 150 trang trại bò với quy mô từ 20 con trở lên, có trang trại chăn nuôi, vỗ béo từ 80-100 con bò thịt.
Điểm nổi bật trong phát triển chăn nuôi bò thịt tại huyện là công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò. Cơ bản đàn bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hàng năm có trên 15 nghìn bê lai các giống bò chuyên thịt năng suất, chất lượng cao như BBB, Agus, Zebu, Wagyu... được sinh ra từ chương trình thụ tinh nhân tạo. Bê sinh trưởng nhanh, giá bán cao hơn so với bê thông thường cùng độ tuổi từ 5-7 triệu đồng/con.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP hỗ trợ toàn bộ tiền thụ tinh giống cho bò với điều kiện có kết quả thành công thì mới được thanh toán. Từ năm 2016, TP đã chi 800 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ vay làm kinh tế trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các hộ nghèo và chương trình đàn bò BBB, đến nay đàn bò BBB đã đạt 140.000 con, đàn bò lai giống Kobe Nhật Bản hơn 4.000 con. Từ đàn bò giống ban đầu, sau khi được lai giống, cho tỷ lệ thịt cao, chất lượng thịt tốt, nông dân có lãi. Khi đàn bò có thể đưa vào giết mổ công nghiệp, TP kết nối với doanh nghiệp mua sữa và bò thịt nên giá cả và lượng tiêu thụ ổn định…
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chuỗi khép kín và chuỗi liên kết trong chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi truy xuất nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý và có thương hiệu sản phẩm. Gắn chăn nuôi với việc bảo vệ môi trường sinh thái, khuyến khích phát triển chăn nuôi sinh học, chăn nuôi hữu cơ vừa bảo vệ môi trường vừa có thể gắn kết với phát triển du lịch. Xây dựng xã Minh Châu, huyện Ba Vì trở thành xã phát triển nông nghiệp hữu cơ, vùng an toàn dịch bệnh đối với chăn nuôi trâu bò.
“Việc triển khai chương trình đề án đúng hướng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, theo hướng sản xuất thịt bò chất lượng cao cung ứng ngay cho thị trường Hà Nội; cung ứng tinh giống cho đồng bằng Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ hiện trạng “rổ thực phẩm” của người Việt mất cân đối. Trong đó, thịt lợn chiếm 70%, thịt gà chiếm 20%, thịt bò chỉ có hơn 6%. Sự mất cân đối trên dẫn đến việc không bền vững về mặt thị trường, sinh học, cân đối dinh dưỡng. Trong khi, trên thế giới thịt bò chiếm 20 – 25% thị phần, thịt gà 30%.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dựa trên những điều kiện thuận lợi về hạ tầng, dân trí, nhất là về thị trường, Hà Nội và Thái Bình đều có lợi thế phát triển gấp 2 đến 4 lần đàn bò hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.
Dự kiến, nhu cầu tiêu thụ thịt bò ở Việt Nam tăng từ 330.000 đến 1 triệu tấn. Hà Nội và Thái Bình có triển vọng trở thành hạt nhân trong chăn nuôi đàn bò ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, phát triển thương hiệu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Bộ trưởng nói.
Dịp này, TP Hà Nội đã tặng tỉnh Thái Bình 100 con bò giống lai Sind để từ đàn bò này có thể nhân giống ra, đưa đến các hộ chăn nuôi trong tỉnh./.