Khó triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy

Thứ tư, 13/11/2024 21:08
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo đại biểu, mục tiêu triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy và các đối tượng bán lẻ là quá cao và khó đạt được trong bối cảnh các điểm, các đối tượng ma túy ngày càng tinh vi.

Chiều 13/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được xây dựng nhằm cụ thể hóa thực hiện chủ trương của Đảng , chính sách pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy.

Cùng đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, đồng thời, tăng cường nguồn lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân, duy trì giống nòi, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm 78,96%, còn lại là vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030.

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình ở quy mô Chương trình mục tiêu quốc gia, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 6 năm (2025-2030) gồm 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án do Bộ Công an quản lý Chương trình và 8 Bộ ngành chủ trì thực hiện các Dự án thành phần.

Mục tiêu triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy có thể khó đạt được

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) bày tỏ băn khoăn với chỉ tiêu giảm cung về ma túy. Đại biểu phân tích:

Thứ nhất, về tăng số vụ phạm tội ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, đại biểu cho rằng chỉ tiêu này phù hợp với mục tiêu giảm nguồn cung về ma túy nhưng cần đánh giá kỹ về tính khả thi. Việc tăng 30% số vụ phát hiện đòi hỏi các lực lượng phải có công nghệ, tài nguyên và chiến lược hiệu quả. Do đó nếu không cải tiến kỹ thuật, kỹ năng cho lực lượng chức năng thì việc đạt chỉ tiêu này rất khó khăn.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu chiều 13/11.

Thứ hai, về phấn đấu phát hiện, triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy và các đối tượng bán lẻ. Theo đại biểu, mục tiêu này quá cao và có thể khó đạt được trong bối cảnh các điểm, các đối tượng ma túy ngày càng tinh vi, trừ khi có sự phối hợp thật tốt, chặt chẽ liên ngành, hiệu quả.

Thứ ba, chỉ tiêu trên 70% lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chỉ tiêu này rất hợp lý vì việc ứng dụng công nghệ hết sức cần thiết để theo dõi, phát hiện và xử lý tội phạm ma túy. Đại biểu băn khoăn phải đảm bảo nguồn lực ngân sách và có lộ trình cụ thể để đạt được tỉ lệ này.

Với chỉ tiêu về giảm cầu, đại biểu cho biết việc kiềm chế tỉ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% mỗi năm có thể khó thực hiện vì sự phức tạp trong kiểm soát và quản lý số lượng người nghiện. Tỉ lệ này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội và kinh tế.

Chỉ tiêu trên 80% trạm y tế cấp xã và 100% cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Theo đại biểu, đây là mục tiêu hợp lý, cần thiết để nâng cao hiệu quả xác định và quản lý người nghiện.

Dù vậy, thực tế cho thấy y tế cơ sở hiện nay có cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Tính khả thi lại phụ thuộc vào ngân sách hỗ trợ trong việc nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo nhân sự. Từ đó đại biểu đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này.

Chỉ tiêu tăng 30% số vụ phát hiện ma túy cần được xem xét

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh, đầu tư vào chương trình phòng chống ma túy là hết sức cần thiết và thể hiện quyết tâm bảo vệ an ninh và sức khỏe của người dân. Theo đại biểu, vừa qua có vụ bắt cả tấn ma túy nên chỉ tiêu tăng 30% số vụ phạm tội ma túy được phát hiện, bắt giữ là khó khả thi, cần được xem xét.

Còn chỉ tiêu 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá chưa bảo đảm giảm cung. Đại biểu cho rằng điều này đặt ra câu hỏi về tính khả thi khi đang đối diện với thách thức về ngân sách và nguồn lực.

"Hiện các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng để triển khai các biện pháp cai nghiện hiệu quả. Họ chưa có đội ngũ tiếp nhận và tư vấn cai nghiện đạt chuẩn theo quy định", đại biểu Tâm Hùng nói.

Theo đạo biểu, việc đặt ra chỉ tiêu mà không có sự bảo đảm về điều kiện thực hiện có thể làm giảm hiệu quả của chương trình. Qua đó đại biểu đề nghị Chính phủ đặt ra các mục tiêu cần phải phù hợp với nguồn lực và khả năng thực thi.

Tận dụng sức mạnh của công nghệ trong cuộc chiến với ma túy

Quan tâm tới việc triển khai các dự án cụ thể, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) cho rằng Dự án 2 về ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma túy rất phù hợp, kịp thời với xu hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa trong việc quản lý nhà nước, nhất là trong bối cảnh tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi. Việc sử dụng công nghệ để khoanh vùng, tìm kiếm thông tin đối tượng theo thời gian, xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến người nghiện ma túy là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đưa ra yêu cầu xem xét ngoài việc đầu tư xây dựng phần cứng, phần mềm theo dự thảo cần phải có giải pháp tăng cường việc ứng dụng công nghệ và triển khai hiệu quả.

 Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) phát biểu chiều 13/11.

Đối với dự án 6 trong dự thảo, đại biểu cho rằng việc tăng cường cung cấp dịch vụ can thiệp, điều trị cho người sử dụng ma túy, đặc biệt ma túy tổng hợp là cực kỳ cần thiết. Do đó, cần phải tăng cường từ tổ chức bộ máy các tuyến, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực khoa học điều trị nghiện ma túy như liệu pháp tâm lý, can thiệp giảm tác hại, điều trị thay thế, điều trị cắt cơn và điều trị rối loạn tâm thần. Đây là những vấn đề lớn, cực kỳ quan trọng mà chưa được quan tâm đầu tư trong khi nhu cầu xã hội ngày càng nhiều…

Tổng vốn đầu tư dành cho Chương trình còn thấp

Cùng đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, tổng vốn đầu tư dành cho Chương trình còn thấp, đề nghị tăng ở nguồn ngân sách Trung ương và nhất là tăng kinh phí cho các dự án, tiểu dự án do các bộ, ngành chủ trì. Đặc biệt là cần tăng kinh phí cho Bộ Y tế để triển khai các hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng, chống ma túy; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong cộng đồng.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, khi chưa có Chương trình này và Chương trình này chưa được thông qua thì công tác phòng chống ma túy đã và vẫn phải được tiến hành thường xuyên, quyết liệt, không ngừng nghỉ. Đại biểu đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo tiến độ; đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng và triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu rà soát, đánh giá kỹ việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể (như một số chỉ tiêu tuyệt đối 100% nhằm đảm bảo tính khả thi); rà soát quy hoạch, các nguồn lực để thực hiện Chương trình đảm bảo không trùng dẫm, hiệu quả; về cơ chế triển khai thực hiện (nêu tại Điều 3) đề nghị giao nhiệm vụ cụ thể cho HĐND và UBND cấp tỉnh, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo không vướng mắc./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực