Hà Tĩnh gặp khó trong kê khai, xác định thiệt hại bồi thường sau sự cố biển

Thứ hai, 26/09/2016 16:51
Sau khi sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra, tại tỉnh Hà Tĩnh đã có 7/13 huyện, thị xã, thành phố bị ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê bước đầu, tỉnh Hà Tĩnh có trên 40.000 lao động bị ảnh hưởng; trong đó, lao động trực tiếp bị ảnh hưởng là 35.530 người và lao động gián tiếp bị ảnh hưởng là 5.361 người.

Chậm nhất trong tháng 10 tới, các đối tượng bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường sẽ nhận được
 tiền đền bù từ Formosa. Ảnh: Thời báo Kinh tế

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 và Văn bản số 7433/BNN-TCTS ngày 1/9/2016, đối tượng kê khai, xác định thiệt hại phục vụ bồi thường sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại gồm 18 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng làm Chủ tịch hội đồng đánh giá. Tại 7/13 huyện, thị xã, thành phố bị ảnh hưởng cũng đã thành lập ban chỉ đạo, hội đồng thẩm định cấp huyện.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Cục Thống kê, Sở Tài chính trên cơ sở số liệu thống kê, kết quả khảo sát, dữ liệu đầu vào và phương pháp tính toán theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng dự thảo bộ quy ước, đơn giá phục vụ bồi thường gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê để tổng hợp nghiên cứu. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng và ban hành hướng dẫn liên ngành về trình tự, nội dung, các bước đánh giá thẩm định thiệt hại, phục vụ cho Hội đồng đánh giá cấp huyện thẩm định, tham mưu phê duyệt đối tượng, số lượng, giá trị thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng.

Nhờ đó, đến nay tại Hà Tĩnh công tác kê khai, xác định đối tượng bị thiệt hại được tỉnh chỉ đạo triển khai kịp thời; các sở, ngành liên quan đã khẩn trương hướng dẫn thực hiện; chính quyền địa phương cấp huyện, xã và thôn, xóm tích cực tổ chức thực hiện nên cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay địa phương đang gặp một số khó khăn trong công tác kê khai, xác định thiệt hại phục vụ bồi thường sau sự cố ô nhiễm môi trường biển như: khối lượng công việc rất lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, đối tượng thiệt hại nhiều, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và đa dạng trong thực tiễn. Trong khi đó, công tác chuẩn bị gấp, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn chưa đồng bộ và thiếu.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện quá ngắn nên mặc dù cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng thực tiễn quá trình kê khai còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng chậm tiến độ theo quy định. Quá trình triển khai họp ở các thôn gặp một số khó khăn; người dân yêu cầu, đòi hỏi một số nội dung ngoài nội dung kê khai, xác định thiệt hại, làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn kê khai.

Cùng với đó là quá trình rà soát đối tượng và tổ chức kê khai phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong việc xác định đối tượng, phương pháp thống kê, kiểm đếm, tính toán thiệt hại, phương pháp tổng hợp số liệu. Đặc biệt, khó khăn nhất hiện nay là việc xác định đối tượng và số lượng thiệt hại phải đảm bảo chính xác, trung thực và đúng thực tế.

Mặc dù hiện nay đã có sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ; thực tế phát sinh nhiều tình huống chưa có trong quy định nên gây khó khăn trong việc kê khai, nhất là đối tượng thuộc lĩnh vực du lịch, thương mại ven biển (hiện chưa có hướng dẫn cụ thể). Mặt khác, các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành hướng dẫn quy trình thẩm tra, thẩm định số liệu kê khai, xác định thiệt hại để các địa phương thực hiện.

Ngoài ra, quá trình kê khai đối tượng là người lao động tại các địa phương còn nhiều sai sót, lúng túng do chưa bám sát và thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công việc kiểm tra, đối chứng, thẩm định đối tượng, số lượng thiệt hại của hội đồng các cấp còn thiếu, không đồng bộ.

Trước những khó khăn trên, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo Hội đồng thẩm tra, các Tổ công tác của tỉnh; Hội đồng đánh giá, thẩm định cấp huyện thực hiện việc thẩm tra, đối soát, thẩm định số liệu kê khai, xác định thiệt hại của các đối tượng bị ảnh hưởng đảm bảo chính xác, trung thực, công bằng, khách quan, dân chủ, đúng đối tượng. Tiếp tục rà soát, xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình kê khai, xác định thiệt hại; đồng thời tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung một số đối tượng thiệt hại phát sinh để đảm bảo công bằng.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến phản ánh, đề xuất của nhân dân và chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục cho bổ sung các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường nhưng chưa được kê khai thiệt hại gồm: Cơ sở thu mua, chế biến muối (bao gồm cả lao động); chủ các hàng quán phục vụ khách du lịch tại xã, thị trấn ven biển; các hộ buôn bán nhỏ thủy hải sản thu mua từ tàu, thuyền hoặc các cơ sở đông lạnh; các cơ sở nuôi cá lồng bè, nuôi nhuyễn thể vùng ven biển bị ảnh hưởng tiêu thụ khó khăn, bị thua lỗ…

Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chung về quy trình kiểm tra, soát xét, đánh giá, thẩm định, phê duyệt đối tượng, giá trị thiệt hại để các địa phương thực hiện thống nhất. Điều này đảm bảo cho việc kiểm tra, soát xét, xác nhận, thẩm định, phê duyệt đối tượng, số lượng thiệt hại được thuận lợi, chính xác, đúng đối tượng, khách quan, trung thực và có sự tương đồng về giá trị thiệt hại được phê duyệt của từng đối tượng giữa các tỉnh, các huyện, xã. Tỉnh cũng đề nghị các Bộ như Công Thương, Văn hoá Thể thao và Du lịch có hướng dẫn cụ thể các đối tượng bị thiệt hại theo lĩnh vực của ngành để tỉnh kịp thời thực hiện công tác kê khai và bồi thường./.

Phan Quân/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực