Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA

Thứ sáu, 05/06/2020 18:17
(ĐCSVN) - Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 5/6, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu ở 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị .

 

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng dịnh, với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do và khung khổ hội nhập cả song phương và đa phương mà Việt Nam đã đàm phán ký kết, phê chuẩn và tổ chức triển khai, đến nay, chúng ta có được tiến trình hội nhập hoàn chỉnh và toàn diện, đón bắt kịp thời xu thế phát triển chung của thế giới. Những FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và mới đây nhất là EVFTA là những miếng ghép giúp Việt Nam hoàn thiện dần chiến lược hội nhập.

Bộ trưởng cho biết, FTA này được coi là công cụ và nền tảng quan trọng để giúp các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách và thực thi các biện pháp cùng với mở cửa thị trường, hoàn thiện thể chế pháp luật để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị quốc gia cũng như tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền theo hướng văn minh dân chủ và phát triển.

Thông qua những yêu cầu và cam kết trong phát triển FTA như vậy, không chỉ các lĩnh vực quản lý nhà nước mà trong các hoạt động cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế đất nước cũng sẽ có những điều kiện thuận lợi để thụ hưởng những ưu đãi trong tiếp cận với thị trường quốc tế, về tín dụng, thị trường hàng hóa, dịch vụ, đổi mới công nghệ, thị trường lao động…

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc thực thi EVFTA là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản vào thị trường EU. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu... thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU.

Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu. 

Vì vậy, trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Dưới góc độ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì cho rằng, cơ hội mà EVFTA mang lại sẽ đi cùng với khó khăn, thách thức mà khi thực thi Hiệp định, doanh nghiệp phải đối mặt. Để tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của EVFTA, ông Nguyễn Văn Thân đề xuất Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường triển khai tuyên truyền về nội dung của Hiệp định và hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, cần tăng nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất cho vay ưu đãi để triển khai các dự án EVFTA.

Đối với những cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU trong Hiệp định EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay EU dành cho Việt Nam thuế nhập khẩu ưu đãi theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (gọi tắt là GSP). Đây là Chương trình EU hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển xuất khẩu hàng hóa sang EU. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, Hiệp định EVFTA có quy định về mối quan hệ giữa thuế suất theo Hiệp định này và thuế suất trong Chương trình GSP mà EU đang dành cho Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng theo định hướng đa dạng hơn, bền vững hơn.

Tin, ảnh: Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực