Hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Quản Bạ (Hà Giang)

Thứ tư, 11/07/2018 15:55
(ĐCSVN) - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Quản Bạ (là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ) đã có bước phát triển đáng khích lệ. Tổng sản lượng lương thực được nâng lên. Tổng số đàn gia súc, gia cầm đã có những bước phát triển nổi bật so với các năm trước.

Để có được kết quả đó, có vai trò hỗ trợ đắc lực của huyện đối với quá trình phát triển trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ được hỗ trợ, nhiều gia đình ở huyện Quản Bạ đã mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc. Ảnh: VP

Trong lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Quản Bạ tập trung hỗ trợ người dân phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Cây thảo quả, trồng cỏ chăn nuôi; hỗ trợ các giống lúa, ngô, đậu tương chất lượng cao, triển khai các mô hình khảo nghiệm giống mới. Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Quản Bạ tập trung hỗ trợ các hộ nghèo được vay vốn ưu đãi để mua trâu, bò giống, hỗ trợ công tác tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi thú y. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhờ được hỗ trợ về giá giống, nhân dân đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mở rộng diện tích các giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất đại trà trên diện rộng.

Ngoài những giống cây trồng bản địa, người dân Quản Bạ đã mạnh dạn trồng mới, mở rộng nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hoá như: Vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng rau xuất khẩu tại xã Quyết Tiến, vùng trồng thảo quả và trồng hồng không hạt. Trong những năm qua, nhiều diện tích lúa và ngô lai chịu hạn đã được trồng khảo nghiệm và nhân rộng ra đại trà, trong đó phổ biến nhất là các giống ngô NK 4300, ngô lai 989, VN 885, SSC 557… Khi được mở rộng diện tích ra đại trà, các giống lúa và ngô lai đều được huyện Quản Bạ hỗ trợ người dân về giống; nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích. Ngoài ra, để khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng thảo quả và cỏ phục vụ chăn nuôi, huyện Quản Bạ đã hỗ trợ người dân về tiền mua giống. Nhờ đó, trong những năm qua, diện tích các loại cây trồng này trên địa bàn của huyện được tăng lên đáng kể.

Trong phát triển chăn nuôi, cùng với Chương trình nông nghiệp trọng tâm, Nghị quyết 209 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã hỗ trợ các gia đình mở rộng quy mô chăn nuôi; hỗ trợ những gia đình chưa có trâu, bò vay vốn để mua giống. Nhờ đó, nhiều gia đình khó khăn đã có điều kiện mua trâu, bò giống để phát triển chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đưa ngành chăn nuôi của huyện phát triển ngày một bền vững. Đến nay, toàn huyện Quản Bạ đã có trên 18.500 con gia súc, đàn gia cầm các loại vào khoảng 160.000 con. Số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm của huyện luôn được đảm bảo và phát triển.

Ông Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Tuy đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng trong điều kiện thực tế của vùng, Quản Bạ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, sản xuất nông nghiệp tuy có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó là sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên như:  Thiếu nước sản xuất, thiếu vốn và đất canh tác đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp..., nhưng nhờ được sự hỗ trợ của các Chương trình, Dự án của Chính phủ như: Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của huyện… sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của người dân, tiến tới xóa đói giảm nghèo một cách bền vững và làm thay đổi diện mạo của nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện./.

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực