Khối doanh nghiệp FDI đang đóng ngân sách ít nhất

Thứ sáu, 23/02/2018 09:46
(ĐCSVN) – Dù hưởng nhiều ưu đãi và tạo ra lợi nhuận cao nhất nhưng đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI lại khá khiêm tốn.
Ảnh minh họa. (Ảnh:M.P)

Theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 712,947 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 12,3% (thấp hơn mức tăng của vốn 16,3% và doanh thu 15,1%).

Nếu tính theo khu vực kinh tế, các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ doanh nghiệp, đồng thời là khu vực có tốc độ tăng lợi nhuận nhanh nhất giai đoạn 2010-2016. Năm 2016, các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra 447,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 62,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 14,7%/năm giai đoạn 2010-2016 (trong đó các doanh nghiệp công nghiệp năm 2016 tạo ra 424,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,5% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp, tăng bình quân 15,5%/năm). Cũng trong năm 2016, các doanh nghiệp khu vực dịch vụ tạo ra 261 nghìn tỷ đồng (chiếm 36,6% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 9,6%/năm. Trong khi các doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 chỉ tạo ra 4,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), giảm bình quân 10,9%/năm.

Đáng chú ý, nếu tính theo thành phần kinh tế, các doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng doanh nghiệp, lao động, vốn chiếm tỷ lệ không cao trong toàn bộ doanh nghiệp nhưng tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 17,3%/năm giai đoạn 2010-2016. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn. Năm 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 8,4%/năm giai đoạn 2010-2016. Năm 2016, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra 197,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 9,4%/năm giai đoạn 2010-2016.

Theo đó, đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 962.2 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010-2016, mỗi năm khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng 14,8%.

Cụ thể, khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp và xây dựng là hai khu vực có quy mô đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2016 là khá tương đồng với 498,3 nghìn tỷ đồng và 462,1 nghìn tỷ đồng. Trong khi các doanh nghiệp thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 chỉ đóng góp được 2,53 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2016, mặc dù tạo ra lợi nhuận thấp nhất trong các thành phần kinh tế nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17,0%/năm giai đoạn 2010-2016.

Các doanh nghiệp nhà nước năm 2016 đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2010-2016; mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng các doanh nghiệp FDI lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250,9 nghìn tỷ đồng năm 2016, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010-2016.

Lý giải cho điều này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho rằng có 2 nguyên nhân, thứ nhất là do chủ trương thu hút FDI của các địa phương, thứ hai là doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào đầu tư công nghệ cao, trong khi lĩnh vực này luôn có những ưu đãi nhất định từ Chính phủ.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao có chính sách rất ưu đãi về thuế, trong khi, các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao lại đa phần là doanh nghiệp khối FDI nên họ nghiễm nhiên được ưu đãi lớn như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn toàn trong 4 năm đầu tiên, 3 năm sau nộp thuế 10% và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo... Ngoài ra, doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao lại còn được miễn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu nên số lượng đóng góp cho ngân sách nhà nước càng giảm hơn, ông Thúy cho biết.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, những tỉnh có mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp bình quân hàng năm giai đoạn 2010-2016 tăng cao trên 25,0% gồm: Hà Tĩnh (tăng 43,0%); Quảng Nam (tăng 36,6%); Vĩnh Phúc (tăng 35,9%); Ninh Thuận (tăng 31,7%); Thái Nguyên (tăng 30,0%); Đắk Lắk (tăng 27,9%); Hà Nam (tăng 27,2%); Hậu Giang (tăng 25,6%).

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, thời gian tới cần rà soát chặt chẽ để khống chế các địa phương cho ưu đãi vượt mức để thu hút dự án FDI, nhằm tạo công bằng cho các khu vực kinh tế./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực