Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Chủ nhật, 24/11/2024 14:09
(ĐCSVN) - Trong các ngày 22 - 26/11 tại Trung tâm Văn hóa, Bảo tàng tỉnh Nghệ An và khu vực phố đi bộ Hồ Tùng Mậu, thành phố Vinh, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Triển lãm là sự kiện nhằm chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Triển lãm có nhiều hoạt động phong phú, tạo nên một bức tranh đa dạng về văn hóa, thiên nhiên và nghệ thuật thủ công truyền thống.

 Trao giải cho các nghệ nhân làng nghề (Ảnh: PV)

Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị.

Trong không gian này, tổ chức các hoạt động quảng bá, trưng bày và kết nối du lịch nông thôn, các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp - nông thôn,  giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu trong cả nước. Đồng thời qua đó tạo cơ hội cho các địa phương quảng bá về mô hình du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn tới du khách trong nước và ngoài nước.

Không gian có diện tích khoảng 400m² (có cổng chào tiếp đón khách thăm quan) được thiết kế, dàn dựng ấn tượng bằng cách ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, gần gũi với người dân Việt Nam như mây, tre, nứa,... kết hợp với nghệ thuật sắp đặt sản phẩm, tiểu cảnh trang trí nhằm tạo không gian ấn tượng, đặc sắc, phù hợp với chủ đề của triển lãm và tạo cảm hứng cho du khách tham quan, trải nghiệm sản phẩm. Đồng thời, gửi thông điệp phát triển nền nông nghiệp bền vững, hướng tới bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Cụ thể, thông tin về các mô hình du lịch nông thôn tiêu biểu trong cả nước được thể hiện trên đại cảnh Bản đồ Việt Nam (kích thước dài 15m x rộng 3m); các sản phẩm OCOP tiêu biểu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề gắn với định hướng quà tặng, điểm đến du lịch mang màu sắc đặc trưng của vùng miền được trưng bày trên các quầy trưng bày, hệ bục, kệ trưng bày sản phẩm. Các sản phẩm được trưng bày, sắp đặt phù hợp với thiết kế tổng thể, sáng tạo, sắp xếp theo nhóm làm nổi bật lên chủ đề của chương trình và thuận tiện cho du khách thăm quan, trải nghiệm (Dự kiến có khoảng 20 - 30 đơn vị là các địa phương, chủ thể trực tiếp tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thông tin về du lịch nông nghiệp - nông thôn, các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu làm quà tặng du lịch).

Đáng chú ý, Ban tổ chức bố trí một số bộ chõng tre để mời một số chủ thể, nghệ nhân, thợ thủ công trực tiếp giới thiệu, thao diễn quá trình sáng tạo sản phẩm.

Thêm vào đó, khu trình diễn và nếm thử ẩm thực được bố trí quầy thao diễn ẩm thực và mời một số nghệ nhân, đầu bếp, đơn vị tới trình diễn chế biến các món ăn. Bên cạnh đó bố trí các bộ bàn ghế tre để mời du khách thử nếm một số món ăn đặc trưng vùng miền, được đánh giá cao để giúp du khách, khách thăm quan quan thử nếm, trải nghiệm và cảm nhận về sự phong phú của văn hoá ẩm thực Việt Nam

 Khu ẩm thực thu hút đông đảo thực khách (Ảnh: PV)

Cũng dịp này,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024. Ban Tổ chức đã tiếp nhận 435 sản phẩm của 264 tác giả khắp cả nước. 

Các sản phẩm dự thi với sự đa dạng chất liệu, mẫu mã, chủng loại và có sự đầu tư kỹ lưỡng nên chất lượng được nâng cao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nghệ thuật, kiểu dáng thay đổi sáng tạo. 

Một trong những điểm độc đáo của các sản phẩm dự thi và đạt giải năm nay là các sản phẩm đã được làm theo thị hiếu thị trường, sản phẩm quà tặng, có tính ứng dụng cao. 

Trên cơ sở các tác phẩm dự thi, sau nhiều vòng chấm thi, thảo luận, Ban Tổ chức đã chọn được 61 giải của 61 tác giả, nhóm tác giả, gồm: 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, 15 giải Ba và 30 giải Khuyến khích.

Giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực sáng tạo và gìn giữ bản sắc truyền thống mà còn là động lực để các nghệ nhân tiếp tục phát huy tinh thần lao động sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực