Kon Tum: Nuôi động vật hoang dã khó tìm đầu ra

Thứ tư, 16/06/2010 17:41
 

 Mô hình nuôi heo rừng ở huyện Kon Plông.

(ĐCSVN) - Tỉnh Kon Tum hiện nay có 29 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã gồm heo rừng, nhím, cá sấu, với khoảng 760 cá thể. Các cơ sở này đều được Chi Cục kiểm lâm tỉnh cấp phép, quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở gây nuôi, phát triển động vật hoang dã chỉ mới cung cấp giống trên thị trường, đang loay hoay tìm đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phan Văn Lễ, trú tại xã Đăk Sú, huyện Ngọc Hồi là một trong những người đi tiên phong nuôi nhím trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Năm 2006, ông mua 5 cặp nhím từ tỉnh Sơn La, đến nay đã sinh sôi, mỗi năm cho vài chục cặp. Với giá thị trường hiện nay, mỗi cặp nhím giống 2 tháng tuổi lên đến 10 triệu đồng. Hầu hết số nhím sinh sản ông bán cho các hộ gia đình ở xã Đăk Sú và một số địa phương khác để làm nhím giống. Những hộ gia đình này đang gây nuôi nhím theo phong trào vì thấy gia đình ông Lễ bán nhím giống nhiều người đến mua, họ chưa tính đến chuyện bán sản phẩm thịt nhím nơi nào! Ông Nguyễn Văn Phúc cũng trú tại địa phương này cho biết: “Thấy người ta nuôi nhím bán nhím giống có lãi thì mình cũng nuôi. Trước mắt gia đình nuôi nhím cho sinh sản bán nhím giống cho các hộ gia đình cần mua, còn về lâu dài tính sau !”.

Không những các hộ gia đình này, mà hợp tác xã Thần Nông, xã Ya Chim, thành phố Kon Tum cũng thành lập cơ sở gây nuôi và phát triển động vật hoang dã. Đến nay, cơ sở này đã gây nuôi một số loài động vật hoang dã như cá sấu, nhím, heo rừng. Riêng gây nuôi cá sấu mới chỉ có hộ gia đình ông Nguyễn Duy Lợi gây nuôi, với 110 cá thể. Đây là giống cá sấu Thái Lan lai với giống cá sấu Cam Pu Chia. Cá sấu 6 năm mới sinh sản, nhưng chi phí thức ăn thấp. Một con cá sấu trưởng thành có trọng lượng từ 20-30 kg, mỗi tháng tăng trưởng khoảng 1 kg, trừ đi mọi chi phí thì mỗi con lãi trên 100.000 đồng. Song phần lớn cá sấu này phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ tận thành phố Hồ Chí Minh nên rất bấp bênh, chưa chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì thấy lợi ích trước mắt nên gia đình dự kiến mở rộng quy mô sản xuất. Ông Nguyễn Duy Lợi cho rằng: “Nuôi cá sấu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Những năm tiếp theo gia đình sẽ mở rộng quy mô, số lượng, hợp đồng với các hộ dân xung quanh cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm luôn”.

Ngoài việc gây nuôi nhím, cá sấu, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Kon Tum, người dân đang tiến hành gây nuôi heo rừng, heo sọc dưa… Ngành chức năng cũng đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân gây nuôi các loài động vật hoang dã thông thường, theo đúng quy định của pháp luật. Ông Huỳnh Dũng, cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Ngọc Hồi-cho biết: “Đã cấp giấy phép chứng nhận chăn nuôi cho các hộ gia đình gây nuôi động vật hoang dã đúng quy trình. Công tác kiểm tra, giám sát mọi hoạt động gây nuôi, sinh sản, xuất bán, tăng đàn đều được kiểm soát chặt chẽ”.

 

 Nuôi nhím ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi.

Nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho rằng, nếu heo rừng lai trong điều kiện bán hoang dã như hiện nay của nhiều hộ gia đình thì thịt nhiều mỡ, khó thu hút được thị trường tiêu thụ. Lo lắng về vấn đề này, ông Phạm Văn Khiêm-Chủ nhiệm HTX Thần Nông, xã Ya Chim, thành phố Kon Tum cho rằng: “Hợp tác xã bây giờ đang tìm đầu ra cho sản phẩm, chưa biết hiệu quả như thế nào ?”.

Trước mắt, việc gây nuôi động vật hoang dã không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ rừng, giảm áp lực xâm hại, săn bắn, bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên. Về lâu dài, ngành chức năng nên vào cuộc với người nông dân hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Điều quan trọng nhất là tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ việc gây nuôi động vật hoang dã trong nhân dân. Bài học kinh nghiệm đã cho thấy, việc nuôi cá sấu nước ngọt tự phát tại đồng bằng sông Cửu Long trong những năm 2003-2005 khiến hàng trăm hộ nông dân lao đao vì khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đây cũng là bài học mà các hộ gia đình gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Kon Tum cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực