Lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chủ nhật, 30/10/2016 20:22
(ĐCSVN) – Ngày 29/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” (DNNVV) do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức.


Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp và ban, ngành liên quan (Ảnh: K.D)

Chia sẻ tại hội thảo, hầu hết các ý kiến tham luận đều cho rằng Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Quốc hội lần này đã có kết cấu, bố cục và nội dung khá hợp lý, tiếp thu được nhiều ý kiến phù hợp trong quá trình xây dựng và tiếp thu được kinh nghiệm quốc tế... Các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất và đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững và toàn diện nếu được xây dựng thông qua đối thoại và tham vấn giữa chính phủ và doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, có ý kiến cũng cho rằng ở các địa phương doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận thông tin hỗ trợ; thiếu sự đồng bộ. Mặt khác, quy trình thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian. Các chính sách hỗ trợ chưa thật sự minh bạch, doanh nghiệp nào biết thì được hưởng chính sách ưu đãi, doanh nghiệp không biết thì bỏ lỡ. 

Từ thực tế trên, đại biểu Lê Xuân Hiền, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hải Dương kiến nghị Luật cần quy định các địa phương thành lập Hội đồng khuyến khích phát triển DNNVV. Phải làm sao để các cấp các ngành coi việc hỗ trợ DNNVV để nuôi dưỡng lâu dài. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp làm sao để doanh nghiệp chỉ nhận dự hỗ trợ khi cần thiết còn sẵn sàng nhường hỗ trợ cho “đàn em” – tức doanh nghiệp nhỏ hơn, từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ. 

Đại diện Sở Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hải Dương cũng nhấn mạnh vai trò của các hội, hiệp hội với việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế, hiệp hội là cơ quan lựa chọn đối tượng hỗ trợ “trúng” và “đúng”, giám sát triển khai thực hiện. Vì vậy, UBND các cấp cần quan tâm tạo điều kiện đưa đại diện hiệp hội vào tham gia các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DNNVV của địa phương, ngành... 

Trên đây cũng là ý kiến của hầu hết các tham luận tại hội thảo, bởi chỉ có chính sách ổn định khuyến khích DNNVV sản xuất thì họ mới yên tâm, mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, phát động tinh thần sáng tạo. Từ đó, doanh nghiệp có thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực