Long An phát triển mạnh mô hình kinh tế tập thể

Thứ hai, 24/04/2017 17:31
Những năm gần đây, mô hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác ở tỉnh Long An có xu hướng phát triển mạnh về cả số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

Liên kết nông dân chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đồng thời, góp phần nâng giá trị hàng hóa nông sản.

Từ 9 thành viên ban đầu với diện tích canh tác chỉ 6 ha, sau gần 5 năm hoạt động, Hợp tác xã rau an toàn Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc, Long An) có bước phát triển ổn định với 40 thành viên tham gia, diện tích canh tác đạt 30 ha. Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp từ 5 - 7 tấn rau an toàn cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thông qua hệ thống phân phối của các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể… Lợi nhuận thu về hàng năm đạt trên 100 triệu đồng/ha.

Ông Đặng Duy Dũng, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Phước Thịnh cho biết, việc liên kết các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, đầu ra thiếu ổn định vào hợp tác xã sản xuất tập trung quy mô lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ xã viên đều được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, kiểm soát các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng …

Nhờ vậy, sản phẩm của hợp tác xã có đặc điểm nổi bật là đạt tiêu chuẩn rau an toàn; đảm bảo các yếu tố như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng Nitrat trong ngưỡng cho phép, không nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Trước khi đưa ra thị trường, sản phẩm rau của Hợp tác xã Phước Thịnh được sơ chế, đóng gói sạch đẹp với nhãn mác rõ ràng. Từ đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần ổn định đầu ra cho người nông dân.

Cũng giống như Hợp tác xã rau an toàn Phước Thịnh, tại Hợp tác xã thanh long Long Trì (huyện Châu Thành, Long An), 45 hộ xã viên liên kết với nhau tạo vùng sản xuất tập trung rộng hơn 150ha, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất.

Toàn bộ các khâu từ cung ứng vật tư nông nghiệp và các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất thanh long, sản xuất và chế biến thanh long cho đến khâu tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài nước đều do hợp tác xã đảm nhiệm. Quy trình sản thanh long đảm bảo theo quy trình VietGAP nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo số lượng và giá trị của sản phẩm.

Ông Phạm Minh Chánh, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Long Trì cho biết: Trước đây, người dân sản xuất rời rạc, nhỏ lẻ nên đầu ra thiếu ổn định, thường bị thương lái ép giá. Từ khi vào hợp tác xã, toàn bộ sản phẩm của xã viên và hộ nông dân liên kết đều được hợp tác xã đứng ra bao tiêu với mức giá ổn định. Lợi nhuận của xã viên luôn đạt mức cao từ 300 – 500 triệu đồng/ha.

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, phát triển bền vững, Hợp tác xã thanh long Long Trì từng bước đưa sản phẩm tiếp cận trực tiếp các thị trường Châu Âu, châu Mỹ. Để làm được điều này, hợp tác xã đẩy mạnh thực hiện nhiều chiến lược kinh doanh như: đăng ký chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kết nhãn nhiệu bao bì, đăng ký mã COS để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực hiện quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh internet, tham gia hội chợ…

Hiện tỉnh Long An xác định mô hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác đóng vai trò chủ thể trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các hợp tác xã, tổ hợp tác từng bước đầu tư, tích lũy hình thành vùng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ kết cấu hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển thương hiệu, nâng khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Hợp tác xã đóng vai trò là cầu nối gắn người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ, từ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho hay, toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 tổ hợp tác, 120 hợp tác xã. Trong đó, các hợp tác xã nông nghiệp có vai trò thiết yếu trong liên kết hộ nông dân đi lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đặc biệt tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa và nâng giá trị nông sản.

Thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, sản phẩm nông sản của nông dân có đầu ra ổn định với mức giá cao hơn, góp phần nâng cao kinh tế cho người dân vùng nông thôn. Tỉnh đang thực nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân tham gia vào các hợp tác xã, giúp các hợp tác xã phát triển bền vững như: hỗ trợ vay vốn ưu đãi; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất…/.

Bùi Giang/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực