Một số quy định mới cho việc thành lập ngân hàng thương mại cổ phần

Thứ ba, 05/01/2010 20:15

(ĐCSVN) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa xây dựng Dự thảo Thông tư về việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động NHTMCP. Theo đó, các ngân hàng, doanh nghiệp muốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) ngoài việc phải có tối thiểu 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ, còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe hơn về năng lực tài chính. Đây là động thái nhằm siết chặt lại việc cấp phép ngân hàng được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo Dự thảo Thông tư, muốn thành lập NHTMCP, các ngân hàng và doanh nghiệp cần phải có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật tại thời điểm thành lập, nghĩa là phải có tối thiểu 3.000 tỷ đồng. So với Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN ngày 7-6-2007 ban hành quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động NHTMCP thì quy định trong Dự thảo Thông tư lần này về vốn điều lệ tối thiểu không có gì thay đổi. Bên cạnh đó, mức vốn trên huy động từ các tổ chức, cá nhân nhưng không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp.

Đối với các tổ chức được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thì việc góp vốn phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành; đối với tổ chức khác, vốn chủ sở hữu trừ đi các khoản đầu tư dài hạn được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu và tài sản ngắn hạn trừ đi nợ ngắn hạn còn lại tối thiểu bằng số vốn góp theo cam kết; đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định theo quy định tối thiểu phải bằng số vốn góp theo cam kết.

Bên cạnh đó, để thành lập được NHTMCP cần có tối thiểu 100 cổ đông tham gia góp vốn, trong đó có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập là tổ chức có tư cách pháp nhân đáp ứng đủ điều kiện quy định. Cá nhân hoặc tổ chức và người có liên quan của cá nhân hoặc tổ chức đó chỉ được tham gia góp vốn thành lập 1 ngân hàng.

Trong trường hợp tổ chức hoặc cá nhân đó cùng với người có liên quan đang sở hữu mức cổ phần trọng yếu của một ngân hàng; tổ chức hoặc tổ chức đó cùng với người có liên quan đang sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của một ngân hàng thì sẽ không được tham gia góp vốn thành lập ngân hàng mới.

Đối với cổ đông là tổ chức, phải có thời gian hoạt động tối thiểu là 3 năm và kinh doanh có lãi trong 3 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng. Cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn thành lập ngân hàng.

Cổ đông sáng lập là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong ít nhất 3 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng, hoặc có bằng đại học hoặc trên đại học về ngành kinh tế hoặc luật; cam kết hỗ trợ ngân hàng về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp ngân hàng khó khăn về vốn hoặc khả năng thanh khoản. Cổ đông là tổ chức phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm.

Trường hợp cổ đông là doanh nghiệp (không phải là NHTM) phải đảm bảo: Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 5 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng; kinh doanh có lãi trong 5 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng.

Đặc biệt, đối với cổ đông là ngân hàng thương mại, Dự thảo Thông tư lần này đã đặt ra những yêu cầu về năng lực tài chính cao hơn Quyết định 24. Trước đây, NHTM chỉ cần đảm bảo có tổng tài sản tối thiểu 10.000 tỉ đồng, có tỉ lệ nợ xấu nhỏ hơn 2% tổng dư nợ tại thời điểm xin góp vốn thành lập ngân hàng, không vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; kinh doanh có lãi trong 3 năm liền kề. Còn theo Dự thảo mới NHTM cần phải kinh doanh có lãi 5 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng; cam kết hỗ trợ ngân hàng về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp ngân hàng khó khăn về vốn hoặc khả năng thanh khoản./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực